6 tin đồn và sự thật về ĐỘT QUỴ

6 TIN ĐỒN VÀ SỰ THẬT VỀ ĐỘT QUỴ

Đột quỵ và Đột tử là giống nhau!

Nhiều người thường nhầm lẫn đột quỵ là đột tử. Tuy nhiên hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

6 tin đồn và sự thật về đột quỵ
6 tin đồn và sự thật về đột quỵ

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn gây ra tình trạng nhồi máu và thiếu máu ở hai bên chỗ bị tắc; hoặc mạch máu bị vỡ gây ra xuất huyết trong não. Vì vậy, đột quỵ có hai thể là nhồi máu não (thiếu máu não) và xuất huyết não. Việc cung cấp máu cho não bị gián đoạn sẽ làm tế bào não bị thiếu oxy và tế bào sẽ chết trong vài phút. Chết tế bào não là tổn thương không thể hồi phục.

Đột tử là tình trạng một người chưa ghi nhận bệnh lý trước đây đột ngột tử vong. Nguyên nhân đa số liên quan đến hệ tim mạch như rối loạn nhịp, nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim phì đại,…

Đột quỵ là do cao huyết áp

 

Cao huyết áp - Nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ
Cao huyết áp – Nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ

Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Tuy nhiên cũng có các nguyên nhân khác gây ra đột quỵ như:

  • Tiền sử đột quỵ: người đã từng bị đột quỵ có nguy cơ cao đột quỵ lần tiếp theo, đặc biệt trong khoảng thời gian vài tháng sau khi đột quỵ.
  • Bệnh tim mạch: loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim, khuyết tật tim bẩm sinh, phình động mạch não,…
  • Mỡ máu: dễ hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và hình thành cục máu đông sau khi mảng xơ vữa bong tróc.
  • Đái tháo đường: làm tổn thương niêm mạc mạch máu khắp cơ thể.
  • Thừa cân, béo phì: là một yếu tố nguy cơ độc lập của đột quỵ.
  • Rối loạn đông máu: bệnh không có khả năng hình thành cục máu đông sau khi bị tổn thương, vì vậy có nguy cơ máu chảy ồ ạt và kéo dài sau một tổn thương mà không cầm lại được.
  • Hút thuốc lá: hóa chất trong khói thuốc làm dày và xơ vữa thành mạch máu
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động: gây ra tình trạng thừa cân, béo phì, mỡ máu, các bệnh tim mạch khác.

Nhận biết đột quỵ bằng cách đứng 1 chân

Nguồn gốc của bài test đột quỵ bằng cách đứng một chân: Yasuharu Tabara và cộng sự nghiên cứu trên 1387 người chưa phát hiện bệnh lý từ trung niên đến cao tuổi (độ tuổi trung bình là 67 ± 8 tuổi), khảo sát mối liên quan giữa mất tư thế khi đứng một chân với các tổn thương mạch máu nhỏ trong não.

Mất ổn định tư thế được xác định bằng chân trần với hai cánh tay đặt xuôi 2 bên cơ thể trong 60 giây. Đánh giá tổn thương não yên lặng bằng chụp MRI, đánh giá suy giảm nhận thức nhẹ bằng thang đo TDAS, đo một số thông số động mạch phát hiện xơ cứng mạch máu và các thông số cơ bản về huyết áp và đường huyết.

Kết quả cho thấy sự mất ổn định tư thế dựa trên thời gian đứng 1 chân ngắn (< 20s) có liên quan đáng kể đến các tổn thương mạch máu nhỏ không triệu chứng trong não, suy giảm nhận nhận thức ở người cao tuổi (tăng nguy cơ té ngã và gãy xương). Tuổi càng cao (≥60)và chỉ số khối cơ thể được xem là yếu tố quyết định chính cho việc mất ổn định tư thế dựa trên thời gian đứng một chân. Tuy nhiên, sự tồn tại của các tổn thương mạch máu nhỏ không triệu chứng không được xem là yếu tố quyết định độc lập cho thời gian đứng thăng bằng một chân.

Sự thật về bài test nhanh đột quỵ đứng bằng một chân
Sự thật về bài test nhanh đột quỵ đứng bằng một chân

Một số điểm hạn chế: thiết kế nghiên cứu trên là cắt ngang , chưa đánh giá được rõ ràng ý nghĩa tiên lượng của sự mất ổn định tư thế khi đứng một chân. Bên cạnh đó, nghiên cứu không đo các chức năng vật lý như tốc độ hoặc dáng đi bất thường cũng như chưa thu thập thông tin về tiền sử té ngã của đối tượng nghiên cứu.

Ý nghĩa của nghiên cứu này chỉ ra rằng những người khó đứng một chân cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn vì có thể liên quan đến những tổn thương nhỏ trong não bộ và suy giảm nhận thức.

  • Để đứng được bằng một chân, cần sự phối hợp nhịp nhàng của tiểu não, hệ thống thị giác và cả hệ cơ xương khớp. Người cao tuổi thường bị té ngã do mất thăng bằng là do tuổi tác thường liên quan đến cả ba yếu tố trên; người đang đau nhức cơ xương khớp; người có bệnh lý tiễu não,… hoàn toàn khó duy trì tư thế này trong 20s. Vì vậy, chưa có cơ sở nào để khẳng định rằng không thể đứng thăng bằng 1 chân trong 20s là yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
  • Đứng được trên 1 chân hơn 20s có nghĩa là không bao giờ bị đột quỵ?

Thay vì quan tâm thời gian có thể đứng cân bằng trên một chân, mọi người nên quan tâm đến các yếu tố thật sự có liên quan đến đột quỵ trong thực tế, đó là: tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, mỡ máu cao, thừa cân, béo phì, sử dụng rượu, bia, lối sống tĩnh tại.

Quay trở lại câu hỏi trên, một người có tổn thương nhỏ trong mạch máu chưa được phát hiện hoàn toàn có thể đứng thăng bằng trên 1 chân trong 20s nếu họ có các yếu tố giữ thăng bằng khác bình thường hoặc luyện tập các môn thể thao thăng bằng, yoga thường xuyên.

Cần làm gì khi đứng thăng bằng ít hơn 20s?

Nên được đánh giá thêm về các vấn đề liên quan mạch máu trước khi kết luận bất kỳ điều gì về nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, cần kiểm tra các yếu tố khác cũng liên quan đến sự thăng bằng của cơ thể: thị lực, cơ xương khớp, cảm giác ở bàn chân.

Uống an cung ngưu hoàng, đậu nành lên men ngừa đột quỵ

An cung ngưu hoàng là một bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc được bào chế thành dạng viên hoàn, gồm nhiều thành phần như: ngưu hoàng, sừng trâu, trân châu, hùng hoàng,… Sản phẩm được giới thiệu dùng để phòng các bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn tiền đình, cao huyết áp, giảm đông máu… do đó còn được gọi là “thần dược”.

Tuy nhiên, nhiều người lại rất mơ hồ về tác dụng của thuốc và không hề biết chống chỉ định của loại thuốc này. Thực ra, an cung ngưu hoàng không có tác dụng dự phòng đột quỵ. Với đột quỵ thể nhồi máu, thuốc này có thể có tác dụng cải thiện tuần hoàn nhưng khi bị đột quỵ xuất huyết não, thuốc này có thể làm tình trạng chảy máu não nặng nề hơn. Tại các bv lớn đã tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ nặng nề, chảy máu mũi, miệng, dạ dày sau khi uống an cung ngưu hoàng.

An cung ngưu hoàng - Sự thật và tác dụng trong việc phòng ngừa đột quỵ
An cung ngưu hoàng – Sự thật và tác dụng trong việc phòng ngừa đột quỵ

Thực tế tại Trung quốc không hề sử dụng thuốc này để phòng tai biến và đây là sản phẩm lợi nhuận, không hề thay thế được các loại thuốc chữa đột quỵ thông thường. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, thạch tín khá cao.

Natttokinase là enzyme hoạt huyết mạnh có trong một món ăn truyền thống của người Nhật có tên là natto, tức là đậu nành lên men. Hạt đậu nành được ủ ấm với một loại vi khuẩn để tạo ra enzyme nattokinase. Nó trực tiếp làm tiêu sợi máu đông, tăng sản xuất plasmin, phòng bệnh lý liên quan cục máu đông,… Tuy nhiên, nên thận trọng khi dùng sản phẩm này cho phụ nữ trong giai đoạn hành kinh, máu khó đông hoặc đang chảy máu cấp.

Chích máu ngón tay cấp cứu người đột quỵ

Sai lầm khi điều trị đột quỵ bằng phương pháp chích máu đầu ngón tay
Sai lầm khi điều trị đột quỵ bằng phương pháp chích máu đầu ngón tay

Phương pháp này hoàn toàn không có tính khoa học và không hề có tác dụng chữa khỏi đột quỵ. Khi bị đột quỵ, cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế ngay lập tức. Đột quỵ là một cấp cứu y khoa thực sự. Điều trị càng sớm thì càng làm giảm thiểu được các tổn thương não nên phải tận dụng từng giây từng phút vì mỗi phút trôi qua có đến 2 triệu tế bào não chết đi và không hồi phục lại. Mọi biện pháp châm chích máu tại nhà chỉ làm mất thêm thời gian cấp cứu bệnh nhân, làm mất đi khoảng thời gian vàng cứu sống bệnh nhận.

Vắt chanh vào miệng khi đột quỵ

Nguyên tắc vàng khi cấp cứu người đột quỵ
Nguyên tắc vàng khi cấp cứu người đột quỵ

Khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chờ xe cấp cứu đến, điều quan trọng là phải làm thông thoáng đường thở cho bệnh nhân, kể cả trường hợp đang ăn mà đột quỵ. Việc cho bệnh nhân uống bất kỳ thứ gì trong giai đoạn nguy hiểm chỉ làm tăng khả năng hít sặc vào phổi, tiêu tốn thời gian vàng và nguy cơ tử vong gia tăng trước khi được cấp cứu tại bệnh viện.

Trên đây là 6 tin đồn và sự thật về đột quỵ, H&H Nutrition hy vọng đã cung cấp được những kiến thức cơ bản về đột quỵ, tránh những sai lầm thật sự không đáng có.

H&H Nutrition – Đồng hành sức khỏe gia đình bạn

Địa chỉ:

Cơ sở chính: 294/2 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM.
Chi nhánh 1: 16B Nguyễn Công Bình, Phường 6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang.
Chi nhánh 2: 319C5 Nguyễn Huệ, Phường Phú Khương, Tp Bến Tre, Bến Tre.
Chi nhánh 3: 93/87 Hà Giang, Phường 1, Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Hotline: 0888.844.733

Group: Hỏi – đáp cùng chuyên gia dinh dưỡng

đánh giá post

Ths, Bs Đặng Ngọc Hùng

Là Founder của H&H Nutrition. Tốt nghiệp Đại học Y dược TP. HCM năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa - chuyên ngành Y tế công cộng năm 2019. Hiện có chứng chỉ dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, Chứng chỉ định hướng chuyên khoa dinh dưỡng lâm sàng - Đại học Y dược TP. HCM. Đã từng công tác tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Giảng viên thỉnh giảng tổ chức phi chính phủ LIFE, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Cao đẳng Đại Việt. Tác giả sách " DINH DƯỠNG CÂN BẰNG - ĂN TRONG TỈNH THỨC".Website: https://dinhduongtoiuu.com/ths-bac-si-dang-ngoc-hung/Facebook: https://www.facebook.com/dang.ngochung.5Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition