NGỌT NHƯ ĐƯỜNG CÁT – MÁT NHƯ ĐƯỜNG PHÈN ! ĐỪNG LẦM TƯỞNG NỮA

NƯỚC UỐNG GẮN VỚI TUỔI THƠ

Nha đam đường phèn, Nước sâm đường phèn….Có lẽ là một trong những loại nước mát quen thuộc mà chúng ta thường nghe. Các món nước đường phèn lại càng quen thuộc khi được gắn với cái mác tự nhiên, “healthy”, khỏe mạnh. Mỗi ly nước đường phèn nó ngọt thanh và mát, kèm theo ký ức mặc định chúng ta về đường phèn rất tốt từ khi ta bé xíu. Vậy thử nhìn nhận lại đường phèn là gì ?

Vai trò đường phèn cần được hiểu rõ
Vai trò đường phèn cần được hiểu rõ

THÀNH PHẦN ĐƯỜNG PHÈN

Trong tự nhiên, có 3 thứ có thể sinh năng lượng cho cơ thể đó là: Carbohydrat ( tinh bột – đường ), Protid ( chất đạm ), Lipid ( chất béo ). Vậy không nói chúng ta cũng biết đường phèn thuộc nhóm Carbohydrat, Tuy nhiên trong nhóm Carbohydrat chúng ta có thể phân thành 2 loại chủ yếu đó là : Đường hấp thu nhanh và đường hấp thu chậm.

Đường hấp thu nhanh: là những loại đường đơn giản, dễ hấp thu vào máu. Trong nhóm này chúng ta được chia ra làm đường đơn: Glucose ( đường máu ), Frutose ( đường có nhiều mật ong ), Galactose ( đường trong các loại sữa), đường đôi: Maltose ( do 2 phân tử glucose kết hợp thấy nhiều ở kẹo mạch nha), Sucrose ( do 2 phân tử glucose và fructose có thể thấy ở đường mía, đường phèn ), Lactose ( do glucoce và galactose kết hợp thành đường sữa).

Đường hấp thu chậm: Là tinh bột và glycogen, loại này do nhiều phân tử glucose kết hợp lại với nhau thêm các thành phần khác dẫn đến cấu tạo phức tạp cần nhiều thời gian để hấp thu.

Lạm dụng nhiều loại nước chứa đường phèn sẽ không tốt cho sức khỏe
Lạm dụng nhiều loại nước chứa đường phèn sẽ không tốt cho sức khỏe

Nhìn phía trên ta có thể thấy cấu tạo của đường mía và đường phèn giống nhau và hơn hết đều được xếp vào nhóm đường hấp thu nhanh. Đây là loại đường làm tăng đường huyết nhanh, dễ gây xáo động cho cơ thể. Cho nên với nhóm đường hấp thu nhanh gồm đường đơn lẫn đường đôi chúng ta không nên nạp quá tổng 10% trong nhóm tinh bột hay 6% tổng năng lượng. Nghĩa là với khuyến nghị mỗi ngày cần 2000kcal chúng ta không nên đưa vào cơ thể quá 120kcal tương đương 30g đường ( 6 muỗng cà phê đường ).

HÃY LÀ LOẠI NƯỚC –  ĐÔI KHI DÙNG 1 LẦN

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta sẽ nạp vào những gì: trà sữa (20-30gr đường, nước ngọt (30-35g đường/lon), bánh ngọt, chè, cà phê, trà đá đường (10 -15g đường/ly )… đều chứa đường hấp thu nhanh. Nếu như cả ngày chúng ta không ăn bất cứ thứ gì liên quan với đường thì việc 1 chai nước sâm, 1 chai nha đam có lẽ không có gì đáng ngại. Việc đáng ngại chỉ xảy ra khi chúng ta nạp quá nhiều món chứa đường thông qua các loại món ăn và thức uống ngọt và thêm 1 chai nước mát đường phèn và cho rằng nó mát cho cơ thể về lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết, mất vitamin nhóm B, thừa cân béo phì, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ…

LỜI KẾT

 Hiện nay chúng ta đang ăn uống theo bản năng khá nhiều, hãy trang bị cho mình kiến thức dinh dưỡng đúng đắn để lựa chọn bữa ăn dinh dưỡng cân bằng và ăn trong tỉnh thức là cách để chúng ta giữ gìn sức khỏe của mình.

H&H Nutrition

Ths, Bs Đặng Ngọc Hùng

Là Founder của H&H Nutrition. Tốt nghiệp Đại học Y dược TP. HCM năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa - chuyên ngành Y tế công cộng năm 2019. Hiện có chứng chỉ dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, Chứng chỉ định hướng chuyên khoa dinh dưỡng lâm sàng - Đại học Y dược TP. HCM. Đã từng công tác tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Giảng viên thỉnh giảng tổ chức phi chính phủ LIFE, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Cao đẳng Đại Việt. Tác giả sách " DINH DƯỠNG CÂN BẰNG - ĂN TRONG TỈNH THỨC".Website: https://dinhduongtoiuu.com/ths-bac-si-dang-ngoc-hung/Facebook: https://www.facebook.com/dang.ngochung.5