Những dấu hiệu của bệnh sỏi thận cần đi khám ngay

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Đa khoa Nguyễn Thị Kim Hải - Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng - Chức vụ: Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn

Dấu hiệu của bệnh sỏi thận? Bệnh sỏi thận đau ở đâu? Sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất ở đường tiết niệu. Việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh sỏi thận giúp điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.

Sỏi thận là bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến do thói quen sống không lành mạnh của con người. Dấu hiệu của bệnh sỏi thận có khi rõ ràng nhưng cũng có trường hợp diễn tiến âm thầm. Nếu như không nhận biết bệnh sỏi tiết niệu sớm, sỏi tăng dần kích thước không chỉ gây đau quặn thận mà còn gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Hơn nữa, việc nhận biết dấu hiệu để điều trị bệnh sớm không những đơn giản mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bệnh sỏi thận là gì, có bao nhiêu loại?

Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp nam giới vào độ tuổi trung niên khoảng từ 30-55 tuổi. Bởi nam giới có đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải hơn ở nữ giới.

Sỏi tiết niệu là các phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Kích thước sỏi thường dao động từ 3-5mm, những viên sỏi có kích thước lớn hơn sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Khi sỏi hình thành có thể gây đau quặn thận, buồn nôn và nôn, thậm chí tiểu máu, sốt, rét run vì nhiễm trùng thứ phát.

Đa phần sỏi hình thành bắt đầu từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài. Tại một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, tinh thể hay sỏi bị vướng lại, tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên có kích thước lớn hơn.

Khi sỏi đã lớn, có thể làm cản trở dòng chảy của nước tiểu dẫn đến ứ đọng nước tiểu, giãn phình ở phần trên vị trí tắc nghẽn. Chính tại vị trí giãn này, sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, hình thành các loại sỏi khác,… phá hủy dần cấu trúc của thận.

Dựa vào vị trí của viên sỏi hệ tiết niệu chia thành các tên gọi như sau:

  • Sỏi thận là sỏi tiết niệu nằm ở thận gồm sỏi ở đài thận và bể thận.
  • Sỏi niệu quản: sỏi di chuyển từ bể thận xuống niệu quản và gây nên bít tắc đường tiết niệu.
  • Sỏi bàng quang: 80% do sỏi từ thận, niệu quản rớt xuống hay do bít tắc vùng cổ bàng quang, niệu đạo.
  • Sỏi niệu đạo: sỏi theo dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang xuống niệu đạo, và mắc kẹt tại đậy.

Ngoài ra, sỏi tiết niệu còn được phân thành nhiều loại theo thành phần hóa học như sau:

  • Sỏi calcium: đây chính là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm đến 80-90%. Cụ thể là sỏi Calci Oxalat, Calci Phosphat. Calci Oxalat là loại sỏi chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới như Việt Nam. Loại sỏi này có đặc điểm rất cứng, cản quang, có hình dáng gồ ghề, màu vàng hay nâu.
  • Sỏi phosphat: thường gặp là loại sỏi Magnesium Ammonium Phosphate, còn được gọi là sỏi nhiễm trùng. Loại sỏi này hình thành thường do nhiễm trùng lâu ngày, đặc biệt là do vi khuẩn proteus. Đặc điểm của sỏi là có màu vàng và không cứng mà hơi bở. Kích thước của loại sỏi này rất lớn có thể lấp kín các đài bể thận gây ra sỏi san hô.
  • Sỏi acid uric: sỏi này hình thành do quá trình chuyển hóa purine tăng trong cơ thể. Một số nguyên nhân có thể làm tăng chuyển hóa purine như bổ sung quá nhiều thức ăn có chứa purine như các loại tôm, cua, cá nhỏ ,… hay các bệnh nhân bị bệnh gout, hay sỏi hình thành do phân hủy các khối ung thư khi dùng thuốc hóa trị.
  • Sỏi cystine: loại sỏi này được hình thành do sai sót trong việc hấp thu chất cystine ở ống thận. Loại sỏi này tương đối ít gặp ở Việt Nam. Đặc điểm của sỏi là không cản quang, có bề mặt trơn láng.

Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận, bắt đầu từ sự kết tinh, lắng đọng tinh thể trong đường tiết niệu. Theo các chuyên gia, sỏi tiết niệu hình thành có thể do nước tiểu chứa quá nhiều hóa chất, điển hình là canxi, acid uric, cystine,… 85% số lượng sỏi hình thành bắt đầu do sự lắng đọng canxi.

Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp như sau:

  • Uống ít nước: lượng nước cung cấp cho cơ thể quá ít, không đủ cung cấp cho thận lọc và đào thải chất độc ra ngoài khiến nước tiểu đậm đặc. Thế nên, các chất trong nước tiểu dễ kết tinh thành sỏi.
  • Chế độ ăn nhiều muối: đây là một trong những nguyên nhân mà người Việt thường gặp bởi khẩu vị ăn khá mặn. Việc ăn nhiều muối  khiến cơ thể phải tăng đào thải độc Na+, tăng Ca++ tại ống thận,… Từ đó, khiến tinh thể calci dễ hình thành.
  • Bổ sung Calcium và vitamin C sai cách: vi chất là những dưỡng chất không thể thiếu trong cơ thể, tuy nhiên nếu bổ sung dư thừa sẽ khiến cơ thể đối mặt với nhiều vấn đề. Đối với vitamin C thì chuyển hóa thành gốc Oxalat còn ion Ca++ sẽ cạnh tranh và ức chế việc hấp thu các ion khác như Fe++,… dẫn đến hình thành sỏi thận.
  • Hậu quả của bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy,… cũng có thể dẫn đến hình thành sỏi Calci Oxalat. Bởi khi bị tiêu chảy khiến cơ thể mất nước, mất các chất điện giải,… làm giảm lượng nước tiểu, nồng độ Oxalat trong nước tiểu tăng,… hình thành nên sỏi tiết niệu.
  • Di truyền: nếu gia đình, người thân có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những gia đình không có.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: vi trùng, vi khuẩn xâm nhập gây viêm đường tiết niệu dai dẳng dẫn đến nhiễm trùng.
  • Béo phì: người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người bình thường, có sức khỏe tốt.

Bệnh sỏi thận đau ở đâu?

Đau là một trong những dấu hiệu đặc trưng của sỏi thận. Cơn đau thường xuất hiện và biểu hiện theo từng đợt. Mỗi đợt kéo dài trong vài phút rồi lại quay trở lại. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau khó chịu, cảm giác đau dọc vùng sau hông lưng. Hơn nữa, cơn đau cũng có thể lan xuống vùng bụng dưới và vùng bẹn khi sỏi bắt đầu di chuyển từ thận xuống niệu quản và bàng quang.

Nhìn chung mức độ đau của sỏi tiết niệu không có nhiều liên quan đến kích thước sỏi. Bởi một số trường hợp có kích thước sỏi nhỏ nhưng vẫn gây đau dữ dội bởi sỏi di chuyển hay bị tắc nghẽn đường tiết niệu.

Ngoài ra, bệnh còn biểu hiện đau buốt, bỏng rát mỗi lần đi tiểu.

Dấu hiệu của bệnh sỏi thận

Sỏi thận là bệnh không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị bệnh sớm. Do đó, để điều trị sỏi thận hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí thì việc nhận biết dấu hiệu của bệnh sỏi thận vô cùng quan trọng.

Đau quặn thận

Đây là biểu hiện rõ nhất bởi gây đau dữ dội. Triệu chứng đau này sẽ phải đến bệnh viện để các bác sĩ thực hiện biện pháp giảm đau, tuyệt đối không được thực hiện tại nhà.

Tiểu ra máu

Một số viên sỏi có bề mặt nhám, gồ ghề,… khi cọ xát với đường tiểu sẽ gây nên tình trạng đau và tiểu ra máu. Thông thường, sỏi thận không gây ra dấu hiệu này nhưng nếu bệnh nhân hoạt động nhiều, vận động mạnh thì có thể.

Tiểu són, tiểu rắt

Khi các viên sỏi có mặt ở bàng quang sẽ kích thích cơn tiểu. Điều này khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều, buồn đi tiểu nhưng lượng nước rất ít hoặc bí tiểu.

Khó tiểu

Trường hợp kích thước sỏi lớn thì trong quá trình di chuyển sẽ làm tắc nghẽn đường tiểu. Chính sự tắc nghẽn này có thể làm chậm hay ngưng dòng chảy khiến người bệnh khó đi tiểu, đi tiểu ngắt quãng hay rặn mạnh mới ra.

Buồn nôn hay nôn ói

Thận và đường tiêu hóa có mối liên hệ với nhau thông qua dây thần kinh. Do đó, nếu có sỏi trong thận có thể sẽ kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, gây nên nhiều sự khó chịu cho dạ dày. Từ đó, triệu chứng buồn nôn hay nôn ói có thể là cách cơ thể phản ứng với những cơn đau dữ dội của sỏi thận.

Sốt và ớn lạnh

Sốt và ớn lạnh cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh sỏi thận thường gặp. Dấu hiệu này cho thấy thận hay các cơ quan khác của đường tiết niệu bị nhiễm trùng. Tình trạng sốt có thể cao, trung bình khoảng 38 độ C hay cao hơn.

Nước tiểu đục và có mùi hôi

Đối với những người khỏe mạnh thì nước tiểu không có mùi và nước trong. Còn ở bệnh nhân sỏi thận tiết niệu nước tiểu đục là biểu hiện của nhiễm trùng ở thận hay các bộ phận đường tiết niệu. Quan sát sẽ thấy nước tiểu có màu đục, trong nước tiểu có mủ và xuất hiện mùi hôi. Mùi hôi này có thể là sự xâm nhập của vi khuẩn.

Những dấu hiệu của bệnh sỏi thận cần đi khám ngay
Những dấu hiệu của bệnh sỏi thận cần đi khám ngay

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sỏi thận

Chế độ dinh dưỡng cho người bị sỏi thận vô cùng quan trọng để vừa đáp ứng dinh dưỡng vừa thuyên giảm và kiểm soát tình trạng bệnh tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sỏi thận cần chú ý một số nguyên tắc sau:

  • Bổ sung canxi: Nhiều người nghĩ bản chất của sỏi là canxi nên cần phải kiêng hoàn toàn canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày để tránh sỏi phát triển. Tuy nhiên, đây là sai lầm bởi có nhiều người không ăn nhiều canxi vẫn phát triển bệnh. Thực đơn nên bổ sung canxi từ phô mai, các loại hạt, sữa, sữa chua,…
  • Thực phẩm giàu vitamin A, B6, D: đây là các loại vitamin có lợi cho người sỏi thận. Trong đó, vitamin D giúp cho việc hấp thu và chuyển hóa canxi tốt hơn, vitamin B6 có khả năng làm giảm hình thành oxalat, còn vitamin A có tác dụng điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu, hạn chế hình thành sỏi thận.
  • Các trái cây cam, quýt: đây đều là các trái cây giàu vitamin C, đặc biệt có lượng lớn hoạt chất citrate có khả năng hòa tan một số thành phần hình thành sỏi thận.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: chất xơ có vai trò quan trọng trong chuyển hóa thức ăn, có lợi cho hệ tiêu hóa và đặc biệt là hệ bài tiết. Do đó, bổ sung chất xơ thường xuyên sẽ giúp cho người bệnh hạn chế sự hình thành và phát triển của sỏi. Chất xơ thường có nhiều trong các loại rau, củ, quả,…
  • Bổ sung nhiều nước: Bệnh nhân sỏi thận nên uống nhiều nước mỗi ngày, sao cho lượng nước tiểu một ngày lớn hơn 2,5 lít. Việc đi tiểu nhiều có thể sẽ khiến sỏi ít có khả năng tái phát.

Ngoài ra, người bệnh còn cần phải kiêng một số thực phẩm sau:

  • Tránh thực phẩm có hàm lượng oxalat cao
  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn
  • Hạn chế đường và đồ ngọt
  • Hạn chế các loại thức ăn nhanh, đồ đóng hộp, thực phẩm nhiều dầu mỡ
  • Tránh thực phẩm nhiều kali

Qua những thông tin chia sẻ trong bài viết về dấu hiệu của bệnh sỏi thận từ H&H Nutrition, hy vọng bản đọc  đã có thể cập nhật, bổ sung thêm kiến thức cho mình để chăm sóc người bệnh cũng như phòng bệnh hiệu quả, cải thiện sức khỏe tốt!

>>> Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đàm Thu Trang

Tôi là Đàm Thu Trang. Tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TPHCM, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Hiện tôi đang công tác tại H&H Nutrition- Hệ thống Dinh dưỡng y học đầu tiên tại Việt Nam. Với mong muốn mang đến cho quý khách hàng nguồn kiến thức dinh dưỡng quý báu và thực tế giúp bạn có những chọn lựa thông minh, phù hợp nhằm duy trì một sức khỏe vàng. Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng khách hàng để đưa ra những giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất.Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition