Trẻ bị dị ứng phải làm sao – 3+ điều mẹ không thể không biết

Dị ứng là một hiện tượng ngày càng phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Vậy dị ứng ở trẻ em là gì, dị ứng ở trẻ có nguy hiểm không, nguyên nhân, biểu hiện là gì, trẻ bị dị ứng phải làm sao? Bạn hãy cùng H&H Nutrition tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Dị ứng là một tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, gây ra hiện tượng hắt hơi, ngứa, phát ban mạn tính, thở khò khè hoặc thậm chí còn dẫn đến các phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Bất kì đứa trẻ nào cũng có thể bị dị ứng nhưng thường dễ gặp hơn ở những trẻ có tiền sử gia đình bị dị ứng. Dù là trẻ bị dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để bạn có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát hầu hết các dạng dị ứng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ bị dị ứng. Hiểu biết về các triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ bị dị ứng sẽ giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng để giúp con mình.

trẻ bị dị ứng phải làm sao
Trẻ bị dị ứng

Nguyên nhân và biểu hiện dị ứng của trẻ như thế nào?

Nguyên nhân xảy ra dị ứng ở trẻ

Dị ứng xảy ra khi cơ quan giúp cơ thể chống lại (hệ thống miễn dịch) phản ứng quá mức/quá mẫn khi ăn, hít thở, bị tiêm/chích/đốt hoặc sờ vào một chất mà bình thường vốn không gây hại (còn gọi là một dị nguyên/chất gây dị ứng). Dị ứng không phải là một căn bệnh mà chỉ là một cách phản ứng của hệ thống miễn dịch. Phản ứng dị ứng ở trẻ có thể ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khác nhau, dẫn đến các bệnh hoặc tình trạng thường gặp sau:

Hen suyễn 

Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản, là một bệnh hô hấp mạn tính rất thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản sẽ bị co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy gây tắc nghẽn làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở.

Yếu tố kích thích các đợt khởi phát hen suyễn ở trẻ em thường là do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, lông thú, khói thuốc lá, hóa chất; thuốc, do nhiễm trùng không khí, do thay đổi thời tiết, hoạt động thể lực gắng sức,…

Viêm da tiếp xúc 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ là tình trạng da bị tổn thương cấp hoặc mãn tính do tiếp xúc với yếu tố kích ứng hoặc chất gây dị ứng ở trẻ. Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến. Bệnh có mức độ nhẹ và hầu hết chỉ gây các triệu chứng tại chỗ như phát ban, mụn nước, nóng rát và ngứa ngáy. Thông thường, viêm da tiếp xúc chỉ làm phát sinh triệu chứng ở vùng da va chạm với dị nguyên.

Bệnh chàm 

Chàm là một biểu hiện của viêm da dị ứng, một loại ban ngứa mạn tính. Bệnh chàm là một bệnh thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh (viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh). Đây là một dạng viêm da ở trẻ em, khiến da bị đỏ, khô hoặc có những mảng mụn nước, thường thấy ở vùng mặt, hai bên má, tai, cánh tay hoặc có thể rải rác toàn thân gây ngứa cho trẻ. Trẻ nhỏ mới sinh cho đến trước 5 tuổi dễ mắc phải bệnh này. Tùy theo cơ địa của từng trẻ mà triệu chứng dị ứng sẽ nặng hay nhẹ, hoặc tái đi tái lại nhiều lần.

Nguyên nhân có thể do cơ địa của trẻ, bình thường không bị nhưng khi gặp yếu tố thuận lợi sẽ phát chàm; hoặc có thể do yếu tố thời tiết, môi trường; do thức ăn hay di truyền.

Dị ứng thực phẩm 

Dị ứng thực phẩm có thể khởi phát ở trẻ bú mẹ (dị ứng sữa) hoặc khởi phát muộn ở trẻ lớn tuổi hơn và có thể gặp ở bất kì thực phẩm nào tuy nhiên hay gặp ở các loại thức ăn từ: lạc, các loại hạt quả, cá, tôm, trứng, đậu nành, sữa và lúa mì. Triệu chứng xuất hiện sau khi trẻ ăn từ vài phút đến vài giờ, bao gồm: ngứa rát, phù nề lưỡi hoặc miệng, ban đỏ có thể rải rác toàn thân kèm ngứa; buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng; trong trường hợp nặng có thể gây sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp và mất ý thức, đe dọa tính mạng trẻ.

Xem thêm: Các sản phẩm sữa dành cho trẻ bị dị ứng sữa

Viêm mũi dị ứng (Sốt cỏ khô)

Đây bệnh phổ biến nhất ở trẻ em do dị ứng, là một dạng phản ứng dị ứng trong đường mũi gây ra chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi và hắt hơi. Tình trạng này có thể xảy ra vào một số thời điểm trong năm hoặc quanh năm. Các triệu chứng như mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt thường đi kèm với các triệu chứng về mũi và tai.

trẻ bị dị ứng phải làm sao
Trẻ bị viêm mũi dị ứng

Mề đay 

Là tình trạng xuất hiện từng mảng da sưng, ngứa, nổi cục (to và nhỏ), thường đỏ hoặc tái hơn vùng da xung quanh. các ban này xuất hiện trong thời gian ngắn (mày đay cấp) hoặc tái diễn kéo dài trên 6 tuần (mày đay mạn). Mề đay có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể và thường không ở chỉ xuất hiện ở một điểm trong hơn vài giờ.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng nổi mề đay có thể do dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng do virut, do thời tiết, tiếp xúc với các vât có chất gây dị ứng, côn trùng đốt, do di truyền hoặc có thể do các loại thuốc như aspirin hoặc penicillin. Đôi khi không xác định được nguyên nhân. Việc tăng cường miễn dịch cho trẻ có thể một phần giảm thiểu tác động của các yếu tố này.

Xem thêm: Tăng cường miễn dịch cho trẻ, giảm thiểu các tác nhân gây dị ứng ở trẻ em

Phát ban

Phát ban là một biểu hiện dị ứng trên da của trẻ. Phát ban là do chất histamin làm vùng da nông bị sưng, ngứa, đỏ có thể thay đổi về kích thước, xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Dị ứng thuốc 

Đây là tình trạng khá nguy hiểm xảy ra khi dị ứng ở trẻ, các triệu chứng như phát ban, ngứa trên da hoặc các biểu hiện nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ do sử dụng các loại thuốc, kháng sinh, và các loại vắc-xin khác nhau.     

Sốc Phản vệ 

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, xảy ra nhanh với nhiều triệu chứng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng:

  • Da – ngứa, nổi mề đay, đỏ, sưng.
  • Mũi – hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi nước.
  • Miệng – ngứa, môi hoặc lưỡi sưng phồng.
  • Cổ Họng – ngứa, hẹp, khó nuốt, khàn giọng.
  • Ngực – thở gấp, ho, thở khò khè, đau ngực, cảm thấy tức thở.
  • Tim – mạch yếu, ngất xỉu, sốc.
  • Ruột – nôn, tiêu chảy, co thắt.
  • Hệ thần kinh – chóng mặt, ngất xỉu, kích thích.

Các dị nguyên thường gây ra sốc phản vệ nhất là:

  • Thức ăn , đặc biệt là đậu phụng, các loại hạt (như hạt hạnh nhân, đậu Brazil, hạt điều, hạt hồ đào và hạt óc chó), các loại hải sản có vỏ (tôm cua sò hến), cá, sữa và trứng. Trong một số ca hiếm, sốc phản vệ có thể xảy ra do ăn một vài loại thực phẩm ngay sau khi thể dục vận động.
  • Vết chích côn trùng , ví dụ như ong, ong bắp cày, ong vò vẽ vàng hoặc kiến lửa, rắn cắn
  • Thuốc, ví dụ như thuốc kháng sinh và thuốc chống co giật/động kinh. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào, ngay cả aspirin và các loại thuốc chống viêm không chứa chất steroid khác, đều có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng.

Khi cha mẹ thấy các biểu hiện hoặc nghi ngờ con mình bị dị ứng, hãy loại bỏ tác nhân nghi ngờ gây dị ứng cho trẻ. Tùy theo tác nhân gây dị ứng, đường tiếp xúc và biểu hiện của trẻ để có biện pháp xử lý phù hợp. Với các phản ứng như nổi mề đay, phát ban, ngứa, mẩn đỏ có thể tự hết sau một thời gian tránh xa các nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ. Với những trường hợp nguy hiểm hơn, như trẻ bị dị ứng với thức ăn, thuốc,.. trẻ có biểu hiện nguy hiểm thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Dị ứng ở trẻ em có nguy hiểm không?

Không bao giờ được xem thường dị ứng ở trẻ! Đó là câu nói của các bác sĩ dành cho bạn. Mức độ nguy hiểm của dị ứng tùy thuộc vào tác nhân gây dị ứng, đường tiếp xúc và phản ứng của cơ thể mỗi trẻ. Tuy phổ biến là mức độ nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng nhiều trường hợp có phản ứng nguy kịch, sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Một số chứng dị ứng có thể xuất hiện từ rất sớm ở trẻ. Ví dụ: bệnh chàm thường xảy ra trong những năm đầu đời, trong khi bệnh sốt cỏ khô có thể xảy ra ở lứa tuổi mầm non hoặc bắt đầu đi học. Ở một số trẻ em, các chứng dị ứng có thể thuyên giảm vào độ tuổi dậy thì. Các trẻ khác có thể vẫn tiếp tục bị dị ứng cho đến lớn. Đến khi trưởng thành, có nhiều tác nhân gây dị ứng mà chúng ta không thể biết được, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử gia đình bị dị ứng, do vậy, cần thận trọng để có thể xử lý kịp thời khi dị ứng xảy ra.

Chăm sóc trẻ bị dị ứng như thế nào?

Chăm sóc trẻ bị dị ứng đúng cách là rất quan trọng để trẻ giảm nhanh triệu chứng, giảm khó chịu và nhanh phục hồi. Hiện nay có nhiều bà mẹ vẫn có những quan điểm sai lầm khi chăm sóc trẻ bị dị ứng, nhất là với trẻ có phát ban, mề đay, viêm da tiếp xúc, mẹ thường kiêng tắm cho con hoặc tự ý cho con uống thuốc chống dị ứng.

Trẻ bị dị ứng phải làm sao?
Trẻ bị dị ứng phải làm sao?

Cách tốt nhất là xác định và tránh các thứ mà trẻ bị dị ứng. Nếu con bạn có chứng dị ứng, hãy thử các cách thức sau:

  • Tránh tuyệt đối những tác nhân gây dị ứng cho trẻ như thức ăn, các loại cây, động vật, mùi, phấn hoa, các vật tiếp xúc, thuốc, ….
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ và khô ráo, vệ sinh phòng sạch sẽ hàng ngày. Đóng kín cửa sổ trong mùa phấn hoa, đặc biệt là trong các ngày gió, khô – đó là thời điểm có nhiều phấn hoa nhất. Tránh trồng các cây, hoa trong nhà, nuôi động vật,…
  • Với trẻ bị dị ứng thời tiết, cần giữ cho môi trường xung quanh trẻ không quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ quá nhanh; đồng thời cũng giữ cho môi trường không quá khô, chẳng hạn nếu trẻ ngủ trong phòng máy lạnh thì nên để thêm một thau nước lớn nhằm cải thiện độ ẩm trong phòng. Khi chuyển mùa cần chú ý có những biện pháp bảo vệ khi trẻ đi ra ngoài, giữ ấm cho trẻ, mặc cho trẻ quần áo chất liệu cotton có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.
  • Tránh dùng các thuốc bôi hoặc quần áo gây bít tắc hay gây kích thích như bôi dầu, thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, hoặc mặc quần áo bằng chất liệu len, nỉ, sợi tổng hợp.
  • Không dùng xà phòng giặt đồ hoặc xà phòng tắm có chứa chất tẩy rửa cho trẻ, chỉ nên dùng các loại sữa tắm không chứa xà phòng như Cetaphil, Saforell, Physiogel…
  • Với trẻ dị ứng với hải sản, đậu phộng, sữa hay một loại thức ăn nào đó, cần tránh tuyệt đối các thức ăn đã gây dị ứng cho trẻ, không cho trẻ ăn các thức ăn tương tự và thận trọng với các thức ăn dễ gây dị ứng khác như đồ lên men, trứng,… Mẹ cũng cần thông báo cho giáo viên của trẻ để trẻ được tránh các thức ăn trên khi dùng bữa ở trường.
  • Với trẻ bị dị ứng thuốc, đặc biệt với trẻ dị ứng thuốc kháng sinh, khi sử dụng thuốc cho trẻ hoặc khi trẻ cần điều trị bệnh bạn cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng của con, mua thuốc và dùng thuốc theo đơn, theo dõi trẻ trong quá trình con sử dụng thuốc.
  • Khi trẻ bị dị ứng uống thuốc gì? Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và dùng thuốc các loại thuốc an toàn và hiệu quả, giúp làm giảm hoặc ngăn chặn các triệu chứng dị ứng, mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng các loại thuốc bôi lên vùng mẩn ngứa, mề đay hay thuốc uống chống dị ứng cho con.
  • Với trẻ nhỏ, khi đến thời gian tiêm phòng cho trẻ mà trẻ đang bị dị ứng hoặc đã bị dị ứng trước đó, trẻ cần được khám kĩ càng trước khi tiêm. Hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng của trẻ để trẻ tiêm phòng được an toàn và hiệu quả.
  • Trẻ bị dị ứng có tắm được không? Câu trả lời là có. Bạn cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách tắm cho trẻ hằng ngày với nước mát hoặc nước ấm vào mùa đông, tránh chà xát, gây tổn thương lên vùng da bị mẩn ngứa, mề đay và cho trẻ mặc trang phục có chất liệu mềm, thấm hút,… để giảm ma sát và kích ứng lên vùng da tổn thương.
  • Cung cấp cho trẻ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, cho trẻ nghỉ ngơi trong nhà, vận động nhẹ nhàng, tránh ra nhiều mồ hôi.

Trên đây là các biện pháp giúp mẹ chăm sóc cũng như đề phòng con bị dị ứng, tuy nhiên, bất kì trường hợp trẻ bị dị ứng nào cũng cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể, có thể con bạn cần làm thêm xét nghiệm hoặc nhập viện điều trị nội trú.

Dị ứng ở trẻ em là một trong những tình trạng phổ biến nhất mà trẻ nào cũng luôn phải đối mặt. Đặc biệt là trên những trẻ có cơ địa nhạy cảm. Triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ như ngứa, nổi mề đay cho đến nặng nề như khó thở và nguy kịch trong tình huống sốc phản vệ. Hi vọng rằng với những thông tin trên, cha mẹ đã hiểu rõ hơn về dị ứng ở trẻ. Cha mẹ cần lưu ý né tránh các loại tác nhân đã từng gây phản ứng cho con và theo dõi sát các triệu chứng này để có xử trí kịp thời nhé.

Xem thêm: Các bài viết khác về Dị ứng ở trẻ em

H&H Nutrition là hệ thống store dinh dưỡng Y học đầu tiên tại Việt Nam cung cấp sản phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ em và người lớn, tại đây bạn sẽ được tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng là thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ giàu kinh nghiệm.

Ths. Đặng Ngọc Hùng - Chuyên gia dinh dưỡng tại H&H Nutrition
Ths. Đặng Ngọc Hùng – Chuyên gia dinh dưỡng tại H&H Nutrition

H&H Nutrition – Đồng hành sức khỏe gia đình bạn

Địa chỉ:

  • Cơ sở chính: 294/2 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM.
  • Chi nhánh 1: 16B Nguyễn Công Bình, Phường 6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang.
  • Chi nhánh 2: 319C5 Nguyễn Huệ, Phường Phú Khương, Tp Bến Tre, Bến Tre.
  • Chi nhánh 3: 93/87 Hà Giang, Phường 1, Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Hotline: 088.8844.733

Group: Hỏi – đáp cùng chuyên gia dinh dưỡng

đánh giá post

Ths, Bs Đặng Ngọc Hùng

Là Founder của H&H Nutrition. Tốt nghiệp Đại học Y dược TP. HCM năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa - chuyên ngành Y tế công cộng năm 2019. Hiện có chứng chỉ dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, Chứng chỉ định hướng chuyên khoa dinh dưỡng lâm sàng - Đại học Y dược TP. HCM. Đã từng công tác tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Giảng viên thỉnh giảng tổ chức phi chính phủ LIFE, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Cao đẳng Đại Việt. Tác giả sách " DINH DƯỠNG CÂN BẰNG - ĂN TRONG TỈNH THỨC".Website: https://dinhduongtoiuu.com/ths-bac-si-dang-ngoc-hung/Facebook: https://www.facebook.com/dang.ngochung.5Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition