Trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng - Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng - Chức vụ: Viện trưởng

Chăm sóc trẻ sơ sinh vốn không phải là việc đơn giản. Vì sức khỏe còn non yếu, hệ tiêu hóa chưa thực sự hoàn thiện nên không ít bé gặp tình trạng trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi. Khi con bị trớ sữa thường xuyên, nhiều bậc phụ huynh lúng túng, không biết xử lý ra sao. Trong bài viết hôm nay, H&H Nutrition sẽ giải đáp cho cha mẹ về nguyên nhân, cách chăm sóc khi trẻ bị trớ sữa.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị trớ sữa, ọc sữa

Một số nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ọc sữa thành vòi, nôn trớ là:

  • Mẹ cho bé bú nhiều hơn dung tích dạ dày của bé: Bé 1 ngày tuổi có dạ dày chỉ chứa được 5 – 7ml, đến 3 ngày là 25ml, 7 ngày là 50ml, 10 ngày là 75ml và 1 – 6 tháng là 100ml. Nếu mẹ cho con bú 30ml/cữ thay vì 5ml/cữ cho trẻ 1 ngày tuổi hoặc 150ml thay vì 100ml cho bé 1 tháng tuổi thì con có thể bị ọc sữa.
  • Trẻ bị yếu cơ tâm vị (cơ vòng giữa thực quản và dạ dày): Ở người lớn, đây được coi là van một chiều cho thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày và chống hiện tượng trào ngược trở lại. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, cơ vòng này còn khá yếu nên khi bị kích thích như khó tiêu, đầy hơi, quá no thì rất dễ xảy ra tình trạng trẻ nôn trớ, trào ngược. Nhiều bé vừa bú xong nhưng có biểu hiện chưa no (biểu hiện của phản xạ tìm vú và phản xạ bú mút) bú tiếp cho đến khi bụng căng cứng hoặc nôn trớ, dẫn đến hiện tượng bị trào ngược thực quản.
Trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi
Trẻ sơ sinh trớ nhiều do các nguyên nhân khác nhau
  • Vị trí của tâm vị và thực quản: Trẻ sơ sinh có cổ dạ dày và thực quản thẳng hàng chứ không gập góc ở tâm vị như dạ dày ở người lớn nên cũng dễ bị trớ sữa.
  • Thời gian tiêu hóa: Sữa mẹ trong 45 phút sẽ tiêu một nửa xuống ruột non vì các thành phần chính trong sữa rất dễ hấp thu. Trong khi đó, sữa công thức lại cần đến 80 phút để làm điều này vì có lượng chất không tiêu thụ được cao hơn. Do đó, trẻ sơ sinh dùng sữa công thức thường dễ bị trớ hơn.
  • Dị ứng: Một số trẻ có thể bị dị ứng với một vài loại protein động vật có trong sữa công thức hoặc không hợp với một số chất trong khẩu phần của mẹ (ví dụ mẹ ăn rau bắp cải, sữa có thể gây đầy hơi dẫn đến bé nôn trớ). Do đó, mẹ cần lưu ý sử dụng thực phẩm phù hợp để hạn chế tình trạng trẻ nôn trớ nhiều.

Trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi với mật độ thường xuyên khiến bé bị mất nước (giống như bị tiêu chảy), mất dịch dạ dày cũng như các loại men tiêu hóa,… Dịch ói có thể bị trào đến phế quản, phổi, tai gây viêm nhiễm.

Trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa thành vòi tương đối nguy hiểm nên cha mẹ cần lưu ý

Đáng chú ý hơn, có tình trạng trẻ sơ sinh ăn ói liên tục nhưng vẫn béo phì, thừa ăn do lượng bú mỗi lần lớn hơn rất nhiều dung tích dạ dày, gây giãn dạ dày từ sơ sinh. Song, việc tăng cân như vậy không đồng nghĩa là con phát triển tốt mà thực chất là hệ tiêu hóa và hệ bài tiết của trẻ đang phải làm việc quá sức, ảnh hưởng không tốt đến chức năng của các hệ này về lâu dài khi trẻ lớn lên.

3. Phân biệt trẻ trớ sữa (sinh lý) và trào ngược thực quản (bệnh lý)

Trớ sữa thông thường (sinh lý): Bé sơ sinh có thể thỉnh thoảng trớ một ít sữa sau khi bú, có thể ho nhẹ, nấc cụt. Một nửa số trẻ có hiện tượng này vài lần một ngày trong 3 tháng đầu và 5% trẻ bị đến 1 tuổi. Trẻ bị trớ sữa thông thường vẫn phát triển khỏe mạnh và cha mẹ không cần phải lo lắng.

Trào ngược thực quản (bệnh lý): Bé ói nhiều phun thành vòi, trớ sau khi bú 1 giờ trở lên, mật độ thường xuyên. Đồng thời, trẻ có biểu hiện khó ngủ, khóc nhiều, cáu gắt, bỏ bú, tăng cân chậm,… Lúc này, cha mẹ cần lưu ý cho con đi tư vấn bác sĩ để được điều trị sớm nhất có thể.

4. Chăm sóc trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi

Một số điều cha mẹ cần chú ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi:

  • Mẹ cần nắm được dung tích dạ dày của con theo từng ngày tuổi, tháng tuổi để có thể cho con bú mỗi cữ vừa đủ. Đồng thời để bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng trong ngày cho bé, các mẹ nên cho con bú nhiều cữ hơn. Số cữ bú tăng theo nhu cầu của con, khoảng 14 cữ trong ngày đầu, 10 cữ sau tuần đầu và sau tháng đầu là 8 cữ.
  • Trực tiếp bú ti mẹ: Trẻ bú mẹ ngay từ khi mới đẻ có thể giảm nhiều nguy cơ trào ngược dẫn đến nôn trớ do lượng sữa non của mẹ đúng bằng dung tích dạ dày của bé và sữa mẹ xuống theo từng đợt, có độ béo tăng dần trong cữ bú giúp bé nhận biết được và tự động dừng khi đã no. Bên cạnh đó, sữa mẹ không gây dị ứng, không khiến trẻ bị nuốt không khí cùng với sữa, rất dễ tiêu nên giúp hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh trớ nhiều.
  • Tư thế bú ti mẹ: Nếu con bú 2 bên 1 cữ nên cho bú bầu vú ở bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa ở dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng sang phải). Sau đó, mẹ chuyển con sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày con đã nhiều sữa nên cần nằm nghiêng trái). Như thế, sữa sẽ dễ dàng đi xuống dạ dày mà không gây ra trào ngược.
Trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi
Mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi
  • Sau khi trẻ bú xong, mẹ nên cho con ợ hơi và bế bé thẳng đứng thêm 15 đến 30 phút trước khi cho bé nằm.
  • Tránh việc kích động đùa giỡn các trò chơi, hoạt động tay chân, các trò đùa gây cười nhiều với bé sau mỗi lần bú.
  • Đặt con nằm ngủ trên đệm có độ dốc với đầu cao hơn dạ dày một chút. Mẹ có thể kê gối lưng cho bé nằm nghiêng bên trái, lúc này bé cảm giác dạ dày êm hơn và dễ ngủ hơn.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc đổi sữa công thức cho trẻ khi cần thiết.

Mong rằng với những chia sẻ của H&H Nutrition trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về hiện tượng trẻ sơ sinh ọc sữa thành vòi và có thêm kinh nghiệm chăm sóc con hiệu quả. Hãy tiếp tục đồng hành cùng H&H Nutrition để cập nhật những kiến thức dinh dưỡng hữu ích bạn nhé!

Xem thêm: 

 

Nguyễn Văn Trung

Tôi tên là Nguyễn Văn Trung. Tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TpHCM ngành Khoa học dinh dưỡng và Ẩm thực. Hiện tôi đang công tác tại H&H Nutrition - Hệ thống Dinh dưỡng y học đầu tiên tại Việt Nam. Với mong muốn mang đến cho khách hàng những kiến thức y khoa và những lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng tối ưu cho sức khỏe vàng và mang lại sức khỏe tốt nhất cho cộng đồng thông qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như lối sống lành mạnh. Tôi luôn sẵn sàng học hỏi, trau dồi kiến thức y khoa để mang đến cho khách hàng những giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất.