Nôn trớ ở trẻ em: Nguyên nhân và cách khắc phục 3+ Điều mẹ nên làm

Nếu bạn có con nhỏ thì không lạ gì chuyện con bị nôn trớ. Tuy nhiên các nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ em là gì, tại sao con lại nôn trớ liên tục và mẹ phải làm sao khi con bị nôn trớ thì không hẳn bà mẹ nào cũng hiểu rõ. Hãy cùng H&H Nutrition tìm hiểu vấn đề trên qua bài viết dưới đây nhé!

Nôn trớ là một trong những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ do bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện, dạ dày còn ở tư thế nằm ngang. Nôn trớ thường xảy ra ở trẻ 0-1 tuổi, trẻ có thể bị trớ ra sữa hay thức ăn hàng ngày và giảm dần khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên trẻ bị nôn trớ nhiều lần trong ngày và kéo dài có thể khiến cho trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, ảnh hưởng đến sức khỏe triển về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Ở trẻ lớn, nôn trớ thường do nguyên nhân bệnh  lý. Do đó, cha mẹ cần có các biện pháp chăm sóc đúng cách khi trẻ bị nôn trớ và khi có dấu hiệu bệnh lý cần đưa trẻ đi khám ngay để được xử trí kịp thời.

Nôn trớ là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ
Nôn trớ là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ

Hiện tượng nôn trớ ở trẻ em

Nôn là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của cơ trơn dạ dày và sự co thắt của cơ thành bụng.

Trớ (từ dân gian) hay gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, là hiện tượng thức ăn trào ngược đơn thuần sau khi ăn không có sự co thắt của cơ thành bụng và thường là thức ăn chưa tiêu hóa, sữa hay thức ăn trào ra khóe miệng.

Trớ sinh lý

Xảy ra nhiều ở 3 tuần tuổi, giảm dần và hết khi trẻ được 12 tháng tuổi, lượng chất trớ ít, thường là sữa mới uống, vài ba ngày mới trớ 1 lần hay có thể 2-3 lần/ ngày. Trẻ vẫn bú khỏe, lên cân tốt, không kèm các biểu hiện khác như: nôn, dễ bị kích thích, quấy khóc, uốn cong người, ho từng con, khò khè, khàn tiếng, chậm lớn

Trẻ bị trớ sinh lý chủ yếu do dạ dày – thực quản phát triển chưa hoàn thiện ở trẻ nhỏ, tạo điều kiện cho sữa trào ngược lên trên, nhất là khi trẻ nằm đầu thấp, vặn mình hay khóc, bú quá no, thay đổi sữa công thức hoặc pha sữa không đúng cách, lỗ núm vú cao su quá to, tư thế bú không đúng làm trẻ nuốt nhiều hơi trong khi bú.

Đối với trẻ đang trong thời kì ăn dặm, việc thay đổi thức ăn có thể dẫn đến kích thích hầu họng gây nôn trớ ở trẻ. Khi trẻ ăn thức ăn không được xay nhuyễn, thức ăn mới, mùi vị lạ trẻ không kịp làm quen dẫn tới có phản xạ nôn.

Ngoài ra, với trẻ không dung nạp hoặc dị ứng đạm sữa bò (CMA) khi ăn sữa có hàm lượng cao chất đạm chưa được xử lý trong sữa bò có thể làm trẻ khó tiêu hóa. Trẻ bị nôn trớ kèm theo các triệu chứng như đi phân lỏng (có thể lẫn máu), hay đau bụng, hoặc dấu hiệu dị ứng ngoài da, tăng cân chậm, cần đưa trẻ đi khám. Trẻ có thể cần được thay thế bằng công thức sữa đậu nành hoặc sữa có đạm thủy phân.

Xem thêm: Sữa hỗ trợ cho trẻ không dung nạp hoặc dị ứng đạm sữa bò

Nguyên nhân nào dẫn đến nôn trớ ở trẻ em

Với các trường hợp trẻ nôn trớ nhiều lần trong ngày kèm các biểu hiện bất thường như kích thích, quấy khóc, ho, sốt, tiêu chảy,… cha mẹ cần đặc biệt lưu ý vì có thể do các nguyên nhân bệnh lý đường tiêu hóa, đường hô hấp hay bệnh lý toàn thân.

Xem thêm: Cải thiện miễn dịch cho trẻ bị nôn trớ

Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, đây là một bệnh nhiễm trùng đường ruột và là một nguyên nhân phổ biến gây nôn ở trẻ em. Trẻ có biểu hiện nôn khởi phát đột ngột, kèm sốt và đau bụng, có thể nôn liên tục 20-30 phút/1 lần trong 12 giờ đầu. Tình trạng nôn có thể kéo dài 3 ngày, tiêu chảy xuất hiện ngay ngày đầu hoặc ngày thứ 2.

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản. Nôn trớ thường xuất hiện sau khi ăn, kèm ợ hơi lặp đi lặp lại, khi trẻ nằm hoặc khi trẻ khóc, trẻ có thể có tư thế uốn cong người (tư thế Sandifer) để giảm đau lúc bú bình. Số lượng chất nôn ít và thường là sữa mới ăn vào. Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường không ảnh hưởng đến phát triển cơ thể và tự khỏi. Nhưng cũng có thể là bệnh lý thì ngoài triệu chứng nôn trớ còn gây viêm loét thực quản và kèm theo một số biến chứng của đường hô hấp do hít phải chất trào ngược có thể tử vong đột ngột.

Xem thêm: Cung cấp vi chất hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ bị nôn trớ

trẻ bị nôn trớ
Có nhiều nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ

Dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm

Dị ứng thực phẩm có thể gây nôn ở trẻ em, cũng như các triệu chứng khác, chẳng hạn như nổi mẩn đỏ, nổi mẩn đỏ (nổi mề đay) và sưng mặt, quanh mắt, môi, lưỡi hoặc vòm miệng.

Nôn có thể xảy ra khi trẻ ăn phải các thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nôn xuất hiện liên tục vài giờ sau khi ăn và thường không kéo dài quá 12 giờ, trẻ nôn ra thức ăn chưa được tiêu hóa hết và thường kèm theo đau bụng, tiêu chảy, hoặc các biểu hiện trầm trọng hơn và cần được xử trí kịp thời.

Bệnh lý ngoại khoa

Các nguyên nhân bệnh lý ngoại khoa (tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột hoại tử, viêm ruột thừa..) ít gặp nhưng rất nguy hiểm, trẻ đột ngột nôn liên tục kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tắc ruột: Triệu chứng rõ nhất của tắc ruột là đau bụng dữ dội, ngoài ra trẻ còn có các triệu chứng khác như nôn ra mật xanh vàng, nôn vọt, nhợt nhạt, vã mồ hôi…

Lồng ruột: Với những trẻ dưới 4 tuổi, nôn có thể là biểu hiện của lồng ruột. Một số biểu hiện khác đi kèm là bé thường co chân về phía bụng, phân lỏng, có thể có máu trong phân.

Do dị tật đường tiêu hóa

Dị tật thực quản: Thực quản bị hẹp, giãn to hoặc ngắn. Nôn thường xuất hiện sớm ngay từ những ngày đầu sau đẻ, nôn ngay sau khi ăn. Thực quản ngắn làm cho dạ dày bị kéo lên phía ngực, trẻ lại luôn ở tư thế nằm cho nên các chất trong dạ dày dễ trào ngược qua tâm vị và gây viêm niêm mạc thực quản, chất nôn không chỉ là sữa mà còn có cả chất nhày, máu.

Hẹp phì đại môn vị: Đây là hiện tượng phì đại và co thắt cơ môn vị gây hẹp tắc môn vị làm cản trở thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng. Chất nôn có thể là sữa hoặc sữa đông vón đọng lâu trong dạ dày của trẻ. Trong trường hợp này trẻ táo bón sụt cân nhanh nhưng vẫn rất háu ăn. Thăm khám bụng thấy có sóng nhu động dạ dày hoặc sờ thấy u cơ môn vị di động nằm ở bờ trước gan. Nếu trẻ bị nôn do dị tật đường tiêu hóa cần được xử trí ngoại khoa.

Chấn động não hoặc bệnh lý não – màng não

Trẻ em rất hiếu động, trẻ có thể bị đập đầu vào đâu đó và chấn thương đầu bất cứ khi nào đặc biệt khi chạy nhảy, chơi đùa. Bất cứ khi nào con bạn bị chấn thương đầu, điều quan trọng là phải theo dõi các dấu hiệu chấn động não. Nôn, buồn nôn là một trong những dấu hiệu này kèm theo các dấu hiệu khác như đau đầu, khó nói, nói lắp, nhìn mờ, mất ý thức,… Nôn và các triệu chứng khác có thể không xuất hiện cho đến 24 đến 72 giờ sau khi con bạn bị đập vào đầu.

Ngoài ra một bệnh lý rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ là viêm não, màng não, trẻ đột ngột có nôn trớ liên tục, sốt cao kèm các dâu hiệu về thần kinh, khi nghi ngờ cha mẹ cần đưa con đi khám ngay.

Nhiễm trùng khác

Nôn trớ đôi khi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng ngoài viêm dạ dày ruột, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi hoặc viêm màng não. Trẻ nôn kèm sốt, ho, ho có đờm, thở khò khè,… 

Trẻ bị nôn trớ, mẹ phải làm sao?

Khi trẻ bị nôn trớ vì bất kì nguyên nhân gì, cha mẹ cần lưu ý đặt trẻ nằm nghiêng để chất nôn không bị hít vào đường thở, tránh cho trẻ bị sặc.

Đối với trẻ bị nôn trớ sinh lý hay chế độ ăn không đúng cách, cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ, chia nhỏ bữa ăn của trẻ, không cho trẻ bú hay ăn quá no, không cho trẻ nằm ngay hay chơi đùa sau khi ăn, cho trẻ bú mẹ đúng tư thế và bú bình đúng cách, tránh để trẻ nuốt phải hơi khi bú. Cha mẹ cũng cần chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn và chế biến thức ăn cho trẻ đảm bảo vệ sinh và phù hợp với lứa tuổi, tránh gây bệnh đường tiêu hóa hay ngộ độc thực phẩm, tránh các thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ.

Khi cha mẹ có nghi ngờ con bị các dị tật bẩm sinh hay triệu chứng của bệnh lý thì cần đưa trẻ đi khám ngay để khám được xử trí kịp thời.

Chú ý khi trẻ nôn trớ nhiều lần, đặc biệt nôn trớ kèm tiêu chảy, trẻ có nguy cơ bị mất nước, mẹ cần tăng số lần cho con bú, hoặc tăng cường bổ sung nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol, nước lọc, nước ép hoa quả,… Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể và chính xác.

trẻ bị nôn trớ
Mẹ cần cho trẻ bú bình đúng cách, tránh để trẻ nuốt phải hơi khi bú, trẻ có thể bị nôn trớ

Lưu ý cho mẹ

Trẻ bị nôn trớ nhiều lần được xem là bình thường nếu trẻ vẫn khỏe mạnh, ăn uống, vui chơi và tăng cân đều và không kèm theo các biểu hiện bất thường, vì đây, được xem là một trong những biểu hiện sinh lý bình thường thuộc quá trình phát triển của trẻ, không phải là bệnh lý.

Nhưng nếu trẻ bị nôn trớ nhiều lần trong ngày và kèm theo các biểu hiện như:

  • Sốt trên 38 độ C
  • Nôn nhiều lần trong ngày và liên tục trong 24h đồng hồ
  • Nôn kèm theo khó thở, tim đập nhanh
  • Nôn rất mạnh, nôn vọt, nôn sau khi trẻ bị đập vào đầu
  • Trong dịch nôn có kèm theo màu xanh vàng hoặc lẫn vệt máu
  • Bụng chướng, tiêu chảy
  • Có dấu hiệu mất nước như: môi khô, đi tiểu ít, mắt trũng
  • Trẻ ở trạng thái lơ mơ

Trường hợp này cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để có phương pháp điều trị kịp thời. Bởi lúc này, sức khỏe của trẻ đang bị đe dọa.

Hy vọng với những thông tin trên, các cha mẹ có thể hiểu rõ hơn vấn đề nôn trớ ở trẻ và có cách chăm sóc cũng như xử lý kịp thời khi trẻ bị nôn trớ.

Xem thêm: Các bài viết khác về Dinh dưỡng cho trẻ em

Ths. Đặng Ngọc Hùng - Chuyên gia dinh dưỡng tại H&H Nutrition
Ths. Đặng Ngọc Hùng – Chuyên gia dinh dưỡng tại H&H Nutrition

H&H Nutrition là hệ thống store dinh dưỡng Y học đầu tiên tại Việt Nam cung cấp sản phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ em và người lớn, tại đây bạn sẽ được tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng là thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ giàu kinh nghiệm.

H&H Nutrition – Đồng hành sức khỏe gia đình bạn

Địa chỉ:

  • Cơ sở chính: 294/2 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM.
  • Chi nhánh 1: 16B Nguyễn Công Bình, Phường 6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang.
  • Chi nhánh 2: 319C5 Nguyễn Huệ, Phường Phú Khương, Tp Bến Tre, Bến Tre.
  • Chi nhánh 3: 93/87 Hà Giang, Phường 1, Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Hotline: 088.8844.733

Group: Hỏi – đáp cùng chuyên gia dinh dưỡng

đánh giá post

Ths, Bs Đặng Ngọc Hùng

Là Founder của H&H Nutrition. Tốt nghiệp Đại học Y dược TP. HCM năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa - chuyên ngành Y tế công cộng năm 2019. Hiện có chứng chỉ dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, Chứng chỉ định hướng chuyên khoa dinh dưỡng lâm sàng - Đại học Y dược TP. HCM. Đã từng công tác tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Giảng viên thỉnh giảng tổ chức phi chính phủ LIFE, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Cao đẳng Đại Việt. Tác giả sách " DINH DƯỠNG CÂN BẰNG - ĂN TRONG TỈNH THỨC".Website: https://dinhduongtoiuu.com/ths-bac-si-dang-ngoc-hung/Facebook: https://www.facebook.com/dang.ngochung.5Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition