Các triệu chứng, dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ cần phát hiện sớm

Tham vấn y khoa: BS Nguyễn Thị Xuân Huyền - Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng - Chức vụ: Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng- tiết chế

Sỏi thận là bệnh lý hệ tiết niệu thường gặp ở nam, tuy nhiên bệnh vẫn xuất hiện ở phụ nữ. Bài viết sau của H&H Nutrition chia sẻ cho chị em các dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ mà chúng ta cần phải lưu tâm.

Bệnh sỏi thận là gì? Các loại sỏi thận thường gặp

Bệnh sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, là tình trạng các khoáng chất không tan trong nước tiểu bị lắng đọng lại ở thận, bàng quang và niệu quản, hình thành những viên tinh thể cứng có kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm. Với những sỏi lớn khi di chuyển trong lòng đường tiết niệu, có thể gây xây xát, chảy máu, viêm vùng bị tổn thương hoặc có thể bị kẹt gây tắc nghẽn hệ niệu, đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Bệnh tuy thường gặp ở nam nhưng không ít trường hợp ghi nhận sỏi thận ở phụ nữ.

Dựa vào thành phần khoáng chất cấu tạo nên viên sỏi, các chuyên gia phân sỏi thận thành 6 loại: sỏi canxi, sỏi oxalat, sỏi phosphat, sỏi acid uric, sỏi struvite, sỏi cystin.

Dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ
Bệnh sỏi thận là gì?

Nguyên nhân bệnh lý sỏi thận

Mỗi loại sỏi thận được đề cập ở trên đều từ những thành tố khác nhau và do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Sỏi canxi: là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm 80-90%. Nguyên nhân do nước tiểu có hàm lượng canxi quá cao, do tăng hấp thu tại ruột hoặc tăng tái hấp thu ở thận, trong các trường hợp như: cường tuyến giáp cận giáp, gãy xương lớn và bất động lâu ngày, dùng nhiều sản phẩm chứa canxi, vitamin D3 hay lệ thuộc Corticoid, ung thư xương, gây phá hủy xương.
  • Sỏi oxalat: phổ biến thứ hai và thường ở các nước nhiệt đới. Nguyên nhân hình thành sỏi oxalat là do nước tiểu bị bão hòa oxalat từ việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa oxalat (tỏi, củ cải, cần tây, rau diếp, rau cải, khoai lang, đậu xanh, nho, mận, bí, ớt,…) hoặc gặp ở những người viêm ruột, bị cắt một phần ruột non, ngoài ra còn có thể do đột biến gen lặn trên nhiễm sắc thể thường gây loạn dưỡng oxalat.
  • Sỏi phosphat: chiếm khoảng 5-15%, được tạo ra do quá trình hệ tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn proteus. Do có men urease nên vi khuẩn sẽ làm phân hủy ure thành amoniac, khiến nước tiểu trở nên kiềm hóa, khi pH nước tiểu trên 7 thì phosphat sẽ kết tủa thành tinh thể dạng san hô.
  • Sỏi acid uric: acid uric là sản phẩm chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể, xảy ra theo quá trình thoái giáng nhân purin và đào thải qua thận, khi thận bị suy giảm chức năng (suy thận) hay khi cơ thể có quá nhiều acid uric như sử dụng nhiều thức ăn có chứa nhiều chất purin (lòng heo, lòng bò, thịt cá khô, nấm,…), bệnh gout, phân hủy các khối ung thư khi dùng thuốc hóa trị liệu,…điều này sẽ gây lắng đọng ở thận. Trong điều kiện môi trường nước tiểu có tính axit, pH dưới 7, acid uric sẽ kết tủa.
  • Sỏi struvite: sự hình thành sỏi này cũng tương tự như sỏi phosphat, do khi hệ tiết niệu bị nhiễm khuẩn sẽ sinh ra amoniac gây kiềm hóa nước tiểu đưa đến kết tinh thành sỏi.
  • Sỏi cystin: khá ít gặp, nguyên nhân do bệnh lý ống thận di truyền.

Sỏi thận sẽ bị đau ở đâu? Vị trí đau sỏi thận

Bệnh sỏi thận thường diễn tiến âm thầm, khi phát hiện đều khá trễ do sỏi với kích thước nhỏ, có thể dễ dàng được đào thải ra ngoài mà không ra khó chịu gì cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lâu dần, sỏi to lên, bị kẹt ở những đoạn trên hệ tiết niệu, sẽ gây tắc nghẽn. Lúc này, sỏi kẹt sẽ gây ra cơn đau quặn tùy vào vị trí viên sỏi gây tắc như:

  • Tắc nghẽn ở bể thận và đài thận: cơn đau sẽ xuất hiện từ vùng hố thắt lưng, dưới xương sườn 12, lan về phía trước hướng về rốn và hố chậu.
  • Còn khi sỏi gây tắc nghẽn ở niệu quản: cơn đau sẽ xuất phát từ hố thắt lưng lan dọc xuống dưới theo đường niệu quản, đến hố chậu bộ phận sinh dục, mặt trong của đùi.

Các dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ cần nhận biết sớm

Tuy bệnh thường gặp ở nam nhưng số phụ nữ mắc sỏi thận cũng không nhỏ. Do đó các chuyên gia đưa ra các dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ như sau:

  • Cơn đau quặn thận: được mô tả là cơn đau đột ngột, dữ dội, cường độ tăng dần, xuất hiện sau khi có hoạt động gắng sức khiến bệnh nhân quằn quại, vật vã mà không tìm được tư thế giảm đau. Đi kèm với cơn đau, người bệnh có thể có biểu hiện buồn nôn, nôn, sốt, lạnh run,…
  • Tiểu ra máu: khi sỏi di chuyển (đặc biệt những sỏi có bề mặt nhám, gồ ghề) có thể gây xây xát làm bệnh nhân tiểu ra máu.
  • Tiểu rắt: nước tiểu bị ứ đọng lâu ngày dễ bị nhiễm khuẩn gây viêm nhiễm đường niệu, gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân như tiểu rắt, tiểu buốt.
  • Bí tiểu: sỏi gây tắc nghẽn, có thể đưa đến thận ứ nước, giãn đài bể thận hoặc một số trường hợp sỏi quá to, kẹt ở bàng quang gây bí tiểu.
Dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ
Dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sỏi thận

Từ các nguyên nhân hình thành sỏi kể trên, chúng ta nhận thấy đa phần xuất phát từ chính chế độ ăn uống hàng ngày không đúng cách, đưa đến sự quá tải ở thận. Do đó, các bác sĩ và chuyên gia tư vấn dinh dưỡng khuyến cáo bệnh nhân bị sỏi thận cần tuân thủ những lưu ý trong dinh dưỡng như sau:

  • Hạn chế ăn mặn hay ăn nhiều đường, đồ ngọt là yếu tố gây tăng gánh cho thận
  • Hạn chế thực phẩm chứa quá nhiều đạm và kali vì sẽ gây quá tải cho thận
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin
  • Uống nhiều nước, đặc biệt khi trời nắng nóng hoặc sau khi tập thể dục

Bệnh sỏi thận nên ăn gì?

Các bác sĩ tiết niệu khuyên bệnh nhân nên bổ sung những thực phẩm sau khi thiết kế thực đơn dinh dưỡng hàng ngày nhằm hỗ trợ làm giảm tình trạng bệnh sỏi thận:

  • Thực phẩm vitamin B6 từ các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỏ, đậu phộng, đậu nành, các loại cá… là một loại vitamin thiết yếu, có khả năng làm giảm sự hình thành oxalat
  • Thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh…ngoài vai trò quan trọng trong tăng cường hệ miễn dịch, kích thích thị giác còn đóng góp trong việc điều hòa bài tiết ở hệ niệu, tránh gây lắng đọng dễ hình thành sỏi.
  • Thực phẩm giàu vitamin D trong cá hồi, lòng đỏ trứng, sữa là yếu tố hỗ trợ việc hấp thu canxi vào xương tốt nhất, tránh canxi dư thừa, tích tụ trong máu đến thận kết tinh lại.
  • Thực phẩm giàu chất xơ như cần tây, bắp cải, bông cải xanh,… giúp hỗ trợ quá trình chuyển hóa và đào thải ở hệ tiêu hóa và tiết niệu.
  • Đây là loại nước tốt nhất, việc giữ đủ nước cho cơ thể sẽ giữ cho nước tiểu của bạn loãng, điều này làm cho sỏi khó hình thành hơn. Hơn hết uống nhiều nước tránh bị sỏi thận, giúp tống ra ngoài những viên sỏi nhỏ (nếu có). Nên việc uống nước rất quan trọng và cần thiết với người bị sỏi thận.
  • Sử dụng công thức sau để tính được số nước bạn cần phải uống: Cân nặng x 40 = Số nước cần uống trong ngày
  • Kiểm tra màu nước tiểu trắng trong chứng bỏ bạn đã uống đủ nước, nếu màu vàng sẫm thì bạn cần phải bổ sung thêm.
Dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ
Chọn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu nhóm vitamin

Bệnh sỏi thận không nên ăn gì?

Mặt khác bệnh nhân bị sỏi thận cũng cần hạn chế một số loại thực phẩm có thể gây quá tải cho thận, tạo điều kiện hình thành sỏi:

  • Hạn chế muối, đường, tránh quá tải công lọc của thận.
  • Hạn chế thức ăn giàu đạm: giúp giảm tích tụ acid uric máu.
  • Hạn chế thực phẩm nhiều kali như chuối, khoai tây, bơ, cam,…vì nồng độ kali máu quá nhiều có thể gây quá tải, giảm đào thải ở thận.
  • Tránh các thực phẩm giàu gốc oxalate như củ cải đường, cải bó xôi, rau muống,…
  • Hạn chế nước ngọt, nước có gas, cà phê vì chúng dễ làm kết tủa chất khoáng hình thành sỏi.
  • Kiêng rượu bia và đồ uống có cồn: vì uống quá nhiều thận phải hoạt động liên tục, tăng công dễ dẫn đến suy giảm chức năng thận, gây giảm đào thải.

Cách điều trị bệnh sỏi thận ở nữ

Các chị em khi có những dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, siêu âm đánh giá kích thước viên sỏi nhằm tiên lượng và được đưa ra hướng điều trị cụ thể. Các loại điều trị sỏi thận cũng sẽ phụ thuộc vào kích thước của sỏi thận. Bệnh nhân có sỏi nhỏ sẽ được điều trị bằng điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, để sỏi tự đào thải ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên. Sỏi có kích thước lớn hay có nhiều viên sỏi nhỏ, bệnh nhân có thể uống thuốc để điều trị. Khi sỏi quá lớn, hay có không đáp ứng với thuốc và điều tiết, phải dùng đến biện pháp phẫu thuật để lấy sỏi ra.

Trên đây là những chia sẻ của H&H Nutrition về các dấu hiệu bệnh sỏi thận ở nữ cũng như các vấn đề xoay quanh bệnh lý này. Hy vọng những kiến thức trên thực sự bổ ích với bạn đọc và nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhé!

đánh giá post

Nguyễn Văn Trung

Tôi tên là Nguyễn Văn Trung. Tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TpHCM ngành Khoa học dinh dưỡng và Ẩm thực. Hiện tôi đang công tác tại H&H Nutrition - Hệ thống Dinh dưỡng y học đầu tiên tại Việt Nam. Với mong muốn mang đến cho khách hàng những kiến thức y khoa và những lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng tối ưu cho sức khỏe vàng và mang lại sức khỏe tốt nhất cho cộng đồng thông qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như lối sống lành mạnh. Tôi luôn sẵn sàng học hỏi, trau dồi kiến thức y khoa để mang đến cho khách hàng những giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất. Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition