Giải pháp dinh dưỡng cho NGƯỜI CAO TUỔI

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ – Bác Sĩ Bùi Đình Hoàn - Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng - Chức vụ: Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn

Đảm bảo dinh dưỡng đối với người cao tuổi cũng được xem là một trong những cách để chăm sóc và tăng cường sức khỏe cho đối tượng này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nắm rõ những nguyên tắc dinh dưỡng đối với người cao tuổi. Hay cũng H&H Nutrition tìm hiểu thông qua bài viết sau đây!

Tầm quan trọng của dinh dưỡng ở người cao tuổi

Hiện nay, tình trạng già hóa dân số đang diễn ra một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Điều này có nghĩa là, tỉ lệ người cao tuổi đang chiếm tỉ lệ cao trong dân số chung đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tập luyện thể lực, lối sống lành mạnh giúp người cao tuổi phòng ngừa bệnh tật và nâng cao chất lượng cuốc sống. Với người cao tuổi, họ luôn có mối quan tâm và cần được quan tâm về các vấn đề sức khỏe. Vì thế, người cao tuổi luôn muốn hiểu biết về ăn uống như thế nào là phù hợp với sức khỏe và tập luyện như thế nào là an toàn để có cuộc sống khỏe mạnh.

dinh dưỡng người cao tuổi
Dinh dưỡng hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng trong chăm sóc người cao tuổi

Các vấn đề dinh dưỡng thường gặp ở người cao tuổi

Chế độ dinh dưỡng bị ảnh hưởng mạnh bởi độ tuổi. Do đó, tùy thuộc vào từng nhóm tuổi mà có chế độ dinh dưỡng riêng biệt. Đối với người cao tuổi, nếu không đảm bảo dinh dưỡng, các vấn đề về dinh dưỡng có thể gặp phải là suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa (đái tháo đường, rối loạn mỡ máu), loãng xương, gãy xương bệnh lí, suy giảm khối cơ và giảm khả năng vận động. Các vấn đề thường gặp nhất là trên hệ tiêu hóa như mất đi cảm giác ăn ngon miệng nên thường bị hạn chế lượng thực phẩm và giảm khẩu phần ăn, chậm làm rỗng dạ dày, cảm giác ăn nhanh no, nuốt khó, rối loạn nuốt và mất chức năng nuốt, gia tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc, táo bón. Kết hợp giải quyết các vấn đề trên cùng chế độ ăn đủ năng lượng là mực tiêu của dinh dưỡng trên người cao tuổi.

Giải pháp tăng cường dinh dưỡng người cao tuổi

Nguyên tắc tính nhu cầu dinh dưỡng cho người cao tuổi

Đánh giá dinh dưỡng nên thực hiện ở hầu hết người cao tuổi bởi nhân viên y tế kể cả nằm viện và đi khám ngoại trú, nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng, mức hoạt động thể lực, chế độ ăn hiện tại, sở thích, thói quen ăn uống và giờ giấc ăn uống, tính toán chuyển hóa cơ bản của người cao tuổi trước khi quyết định mức độ năng lượng cho khẩu phần.

Theo dõi và ghi lại biểu đồ cân nặng, duy trì tình trạng dinh dưỡng của người cao tuổi. Nếu người cao tuổi lo lắng về sự thay đổi cân nặng, ăn uống không đủ số lượng hoặc không cân đối trong khẩu phần ăn, cần hướng dẫn và giải thích cho họ hiểu về nhu cầu dinh dưỡng. Vì sự giảm cân là dấu hiệu quan trọng của suy dinh dưỡng, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi.

Tìm hiểu nguyên nhân suy dinh dưỡng đánh giá về hành vi nguy cơ, thói quen ăn uống. Từ đó can thiệp trên các vấn đề dinh dưỡng như vấn đề nhai nuốt, rối loạn/kém chức năng hai tay, hạn chế vận động, sự bất động, suy giảm nhận thức, trầm cảm, nghèo khổ, cô đơn, bệnh cấp/mạn tính, tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn quá kiêng khem do bệnh tật. Để thực hiện cần sự phối hợp điều trị đa chuyên khoa và hỗ trợ xã hội, nhằm đảm bảo cân đối và đầy đủ khẩu phần ăn, duy trì cân nặng hay tăng cân, cải thiện tình trạng các chức năng và hoạt động hàng ngày.

Nên chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng do hạn chế trong tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Có thể thiết kế thực đơn 3 bữa chính và 1-3 bữa phụ trong ngày. Bữa ăn thiết kế đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng như sữa, hạt ngũ cốc, trái cây. Cần tạo không khí bữa ăn vui vẻ và cảm giác thoải mái khi ăn uống.

dinh dưỡng cho người cao tuổi
Việc đánh giá dinh dưỡng cần được thực hiện thường xuyên đối với người cao tuổi

Nhu cầu dinh dưỡng ở người cao tuổi

Nhu cầu năng lưởng người cao tuổi giảm do giảm chuyển hóa cơ thể và hoạt động thể lực giảm. Bên cạnh đó năng lượng khẩu phần ăn của người cao tuổi cũng tự giảm do các vấn đề thường gặp ảnh hưởng dinh dưỡng người cao tuổi. Do đó nhu cầu năng lượng trung bình ở người cao tuổi giảm còn khoảng 1870-2000 Kcal ở nam giới và 1550-1700 Kcal ở nữ giới với mức hoạt động thể lực nhẹ.

Để tính nhanh, năng lượng trung bình khẩu phần khoảng 30 Kcal/kg/ngày và cân nặng ở mức BMI 22 là lý tưởng. Nhu cầu năng lượng có thể lên 35 Kcal/kg trong trường hợp bệnh lý cấp tính, nhiễm trùng, vết thương, sốt, chấn thương, bỏng, phẫu thuật và trong giai đoạn phục hồi bệnh. Còn lại nhu cầu năng lượng có thể giảm còn 25 Kcal/kg ở người cao tuổi có thừa cân béo phì. Do đó, điều chỉnh tùy thuộc vào giới tính, tình trạng dinh dưỡng, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng bệnh tật và mức độ dung nạp của người cao tuổi.

Do nhu cầu năng lượng giảm nhưng nhu cầu các chất dinh dưỡng không giảm nên trong nhu cầu các chất dinh dưỡng không giảm nên trong khẩu phần ăn người cao tuổi nên cắt giảm thưc ăn ngọt và chất béo có năng lượng cao như (nước ngọt, bánh ngọt, chè, kem, đồ ăn chiên ngập dầu, …) và tập trung ăn những thực phẩm có đậm độ dinh dưỡng cao (thịt, cá, trứng, rau, trái cây, sữa và chế phẩm từ sữa, đậu hạt các loại).

Nhu cầu chất bột đường

Đây là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng ở người cao tuổi. Chất đường bột nên chiếm khoảng 45-60% tổng nhu cầu năng lượng đưa vào. Hạn chế lựa chọn chất đường bột đường hấp thu nhanh (đường, nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn ngọt, …) giúp giảm tải đường huyết của bữa ăn. Chọn thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp dễ kiểm soát năng lượng ổn định đường huyết ở người đái tháo đường. Ưu tiên chất tinh bột phức thành phần giàu khoáng chất, vitamin, chất xơ như ngũ cốc, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lút, bánh mì đen), gạo xát dối, gạo nguyên cám, khoai củ (khoai lang, khoai mì, khoai tây), … sẽ giữ được lớp vỏ lụa bên ngoài có nhiều chất xơ hòa tan và vitamin.

Nhu cầu chất đạm

Chất đạm theo khuyến cáo nên chiếm 13-20% tổng nhu cầu năng lượng với tỷ lệ đạm động vật trên 30% so với tổng lượng đạm ở người cao tuổi. Nhu cầu chất đạm ở người cao tuổi nếu tính theo nhu cầu cân nặng thì cao hơn ở người trưởng thành để phòng mất cơ (Sarcopenia).

Nếu người trưởng thành cần 0,8g/kg/ngày thì nhu cầu chất đạm ở người cao tuổi là 1-1,2g/kg/ngày, nhu cầu chất đạm còn tăng lên 1,2-1,5g/kg/ngày trong giai đoạn bệnh cấp tính, giai đoạn mãn tính có dấu hiệu suy mòn khối cơ và giai đoạn phục hồi bệnh.

Tuy nhiên, nhu cầu chất đạm cần giảm ở người cao tuổi có suy thận mạn chưa đến giai đoạn lọc thận, thường trong khoảng 0,4-0,8g/kg/ngày. Khi người bệnh đã được lọc máu thì nhu cầu đạm tăng lên từ 1-1,3g/kg/ngày

Nên lựa chọn chất đạm có giá trị sinh học cao (từ thịt gà, thịt heo, cá, trứng, sữa) vì dễ tiêu hóa và hấp thu, cung cấp thêm các khoáng chất cần thiết như sắt, kẽm. Sử dụng chất đạ nạm và nên bỏ da, mỡ dưới da, thực đơn nên xen kẽ chất đạm từ thực vật như giá đỗ, đậu hũ. Ưu tiên sử dụng chất đạm có nhiều canxi như cá nhỏ nguyên xương, tép nhỏ nguyên vỏ, riêu cua và sử dụng dụng thịt cá tươi sống, hạn chế thực phẩm công nghiệp vì chứa nhiều muối, chất béo và chất sinh ung thư.

Nhu cầu chất béo

Chất béo theo khuyến nghị vẫn nên chiếm 20-25% tổng năng lượng đưa vào. Chất béo có vai trò quan trọng ở người cao tuổi nhằm cug cấp và dự trữ năng lượng đồng thời cung cấp nguồn axit béo thiết yếu (omega 3, omega 6) và giúp hấp thu vitamin tan trong dầu (A,D,E,K).

Tuy nhiên cần chọn lựa thức ăn giàu chất béo không bão hòa một hay nhiều nối đôi, ít chất béo đã bão hòa như cá, thịt nạc, hạt vừng (mè), đậu phộng (lạc), … Chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe tim mạch có ít chất béo bão hòa thay thế cho mỡ động vật như dầu cá, dầu đậu nành, dầu, vừng, dầu lạc, dầu hướng dương, dầu hạt cải, bơ thực vật, …. Tránh ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật (óc, tim, gan, cật, lòng lợn, tiết), tôm to, lươn, chocolate.

Trong chế biến nên thiết kế các món hấp, nướng, xào, hạn chế các món chiên ngập dầu.

dinh dưỡng cho người cao tuổi
Cần cân đối dinh dưỡng cho người cao tuổi

Nhu cầu vitamin và khoáng chất

  • Nhu cầu vitamin và khoáng chất ở người cao tuổi không thay đổi so với người trưởng thành chỉ cần được bổ sung theo nhu cầu khuyến nghị ngoại trừ cần tăng cường vitamin D và canxi. Tuy nhiên quá trình hấp thu vitamin và khoáng chất bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố như giảm acid dạ dày, teo dạ dày, giảm yếu tố nội tại, giảm bề mặt nhu mao hấp thu tại ruột non.
  • Các vitamin A, C, E, Selenium, … là các chất chống oxy hóa giúp thu gọn các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa tế bào chức năng của cơ thể. Vitamin A nhiều ở gấc, ớt vàng, cà rốt, cần tây, rau xanh; Vitamin C nhiều trong trái cây tươi và các loại rau lá; Vitamin E nhiều trong dầu thực vật, hạt hướng dương, mầm lúa mì, hạt ngũ cốc toàn phần, đậu phộng, rau cải; Selennium có nhiều trong tạng động vật như cật heo, gan, đậu hạt, …
  • Vitamin D, vitamin K và Canxi, Magie, Phospho, Kẽm, Kali và Natri đều có vai trò trong chuyển hóa canxi, tạo độ chắc khỏe xương và phòng bệnh loãng xương, giảm tỷ lệ nứt gãy xương, nhất là nữ giới. Nhu cầu vitamin D ở người cao tuổi khoảng 100 U/L, Canxi khoảng 1000mg/ngày, cao hơn so với người trưởng thành. Thực phẩm giàu canxi gồm tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, …), ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Nên đảm bảo cung cấp đủ theo nhu cầu khuyến nghị sữa là 3 đơn vị sữa (1 đơn vị tương đương 100ml sữa, 15g phô mai). Người cao tuổi thường có nguy cơ không dung nạp lactose do suy giảm men lactase sẽ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, do đó nên dùng sữa latose-free. Ở người nữ cao tuổi có thể uống thêm sữa đậu nành vì là nguồn cung cấp canxi và isoflavon (tác dụng như phytoestrogen, hợp chất từ thực vật có tác dụng như hormone nội tiết tố nữ).
  • Vitamin D cung cung cấp từ chế độ ăn rất ít, chủ yếu từ tắm nắng, sữa, thực phẩm hay thuốc bổ sung vitamin D. Các vitamin khác được cung cấp đủ từ khẩu phần ăn bình thường. Vì thế ở người già nên được bổ sung Vitamin D, Canxi và các chất dinh dưỡng từ thực phẩm, sữa, thuốc để tăng cường sức khỏe xương.
  • Nhu cầu Natri và Kali: không thay đổi so với người trưởng thành. Tỷ lệ tăng huyết áp gia tăng ở người lớn tuổi do đó chế độ ăn cần tăng thực phẩm giàu Kali và kiểm soát chặt chẽ lượng Natri không quá 2000mg/ngày tương đương 5000mg/ngày. Natri nhiều trong gia vị như muối ăn, nước mắm, nước tương, muối, chao, tương ớt, …)
  • Tuy nhiên chế độ hạn chế muối, hạn chế đường hay cholesterol thực hiện quá nghiêm ngặt khi không có bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu có thể làm hạn chế nguồn thức ăn.

Nhu cầu chất xơ

Cung cấp mỗi ngày đủ 3-4 đơn vị rau và 3 đơn vị trái cây, mỗi đơn vị tương đương 80gam. Thực đơn bữa ăn sang nên có rau, hai bữa chính còn lại chính nên có hai món, một món canh và một món luộc/hấp. Sử dụng và chế biến các loại củ quả mềm, dễ nhai và dễ tiêu hóa. Cho khó khăn trong vấn đề tiêu hóa nên chọn lựa và tăng lượng chất xơ trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ, các loại đậu, trái cây và rau. Rau củ quả đậm màu ưu tiên chọn lựa vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng chống oxy hóa.

Nhu cầu nước

Nếu không có các tình trạng cấp tính (sốt, tiêu chảy, nôn ói), thông thường lượng nước ở mức 2-2,5 lít/ngày, người cao tuổi nữ giới cần uống ít nhất 1,6 lít/ngày, người cao tuổi nam giới cần uống ít nhất 2 lít/ngày. Nếu có các bệnh lý cần giảm dịch nhập (bệnh tim, bệnh thận), lượng nước trung bình khoảng 1-1,5 lít/ngày.

Bổ sung dinh dưỡng đường miệng (ONS)

  • Ở người suy dinh dưỡng, cần tăng năng lượng thông qua chế độ ăn đưa vào nên sử dụng thực phẩm bổ sung vào thực đơn chính như dầu ăn, mỡ cá, phô mai, trứng, các loại đậu, rau xào, bột đạm whey. Ngoài ra khi lượng ăn vào không đủ có thể bổ sung sản phẩm dinh dưỡng đường miệng (ONS) đảm bảo đủ năng lượng và chất dinh dưỡng, dễ sử dụng, dễ hấp thu, đặc biệt ở người cao tuổi đang mắc bệnh cấp tính, trước và sau phẫu thuật hay giai đoạn phục hồi sau bệnh.
  • Là sử dụng sản phẩm có nhiều chất dinh dưỡng đa năng lượng (đạm, đường, chất béo) và các chất dinh dưỡng vi lượng (vitamin và khoáng chất) ở hỗn hợp cân bằng. Đây là các sản phẩm giàu chất dinh dưỡng được thiết kế để tăng năng lượng khi không đáp ứng đủ qua bữa ăn thông thường. Các sản phẩm chủ yếu ở dạng lỏng, đồng thời có dạng bột, dạng bánh hay thanh năng lượng với nhiều mùi vị khác nhau nhằm kích thích vị giác. Có hai hình thức là thực phẩm dinh dưỡng y học và sữa dinh dưỡng y học. Các sản phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng, tăng đậm độ năng lượng (1-3 Kcal/kg) nhằm giảm khối lượng thực phẩm đưa vào nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lượng, dưới dạng dễ sử dụng và mùi vị phù hợp khẩu vị.
  • Ăn qua đường sonde cũng là hình thức dinh dưỡng đường miệng nhưng trên người cao tuổi gặp vấn đề nhai nuốt. Người chăm sóc đưa khẩu phần thức ăn, sữa, nước uống bằng cách bơm qua ống thông từ mũi xuống dạ dày. Chế độ ăn này cần có bữa ăn với công thức dinh dưỡng phù hợp để tránh các biến chứng như tắc sonde, tiêu chảy, táo bón, … Để cải thiện tình trạng đó, các thực phẩm dinh dưỡng y học ra đời với bản chất là bữa ăn sinh lý được sản xuất dưới công nghệ xoay nhuyễn dễ hấp thụ và tiêu hóa.

Vận động

Khuyến khích vận động và tập luyện phù hợp với cơ địa, tình trạng bệnh,… quá trình tập cần bổ sung đủ protein để duy trì trọng lượng và cải thiện khối cơ.

dinh dưỡng cho người cao tuổi
Đảm bảo các thành phần dinh dưỡng phù hợp với người cao tuổi

Kết luận

Người cao tuổi luôn có các vấn đề thường gặp cản trở quá trình dinh dưỡng, cần sớm tìm và khắc phục, quan tâm và chọn lựa cho họ một chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm nâng cao và phục hồi thể trạng một cách tốt nhất.

H&H Nutrition quy tụ đội ngũ Thạc sĩ, Bác sĩ, Chuyên gia Dinh dưỡng, Kỹ sư tiết chế với trình độ chuyên môn cao, tận tâm, luôn đặt khách hàng lên vị trí hàng đầu. H&H Nutrition cung cấp dịch vụ khám tư vấn, thiết kế thực đơn dinh dưỡng toàn diện dành cho trẻ em và người lớn. H&H Nutrition cam kết sẽ đồng hành sức khỏe cùng gia đình bạn nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất đến quý khách hàng.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN DINH DƯỠNG

Cơ sở chính: 294/2 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM.

Chi nhánh 1: 16B Nguyễn Công Bình, Phường 6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang.

Chi nhánh 2: 319C5 Nguyễn Huệ, Phường Phú Khương, Tp Bến Tre.

Chi nhánh 3: 93/87 Hà Giang, Phường 1, Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Hotline Đặt hàng: 088 8844 733

Hotline Tư vấn: 088 8977 433

Group: Hỏi – đáp cùng chuyên gia dinh dưỡng

đánh giá post

Nguyễn Văn Trung

Tôi tên là Nguyễn Văn Trung. Tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TpHCM ngành Khoa học dinh dưỡng và Ẩm thực. Hiện tôi đang công tác tại H&H Nutrition - Hệ thống Dinh dưỡng y học đầu tiên tại Việt Nam. Với mong muốn mang đến cho khách hàng những kiến thức y khoa và những lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng tối ưu cho sức khỏe vàng và mang lại sức khỏe tốt nhất cho cộng đồng thông qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như lối sống lành mạnh. Tôi luôn sẵn sàng học hỏi, trau dồi kiến thức y khoa để mang đến cho khách hàng những giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất. Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition