Hiện tượng cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh ba mẹ cần lưu ý

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Đa khoa Nguyễn Thị Kim Hải - Nơi công tác: Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng - Chức vụ: Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn

Cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Trẻ xuất hiện cặn sữa trong miệng ba mẹ phải xử lý như thế nào? Trong 6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh thường gặp phải hiện tượng nôn trớ. Tuy nhiên, nếu trẻ ọc ra cặn sữa trong một khoảng thời gian dài thì đây là vấn đề ba mẹ nên lưu tâm. Hãy cùng H&H Nutrition đi tìm lời giải đáp cho vấn đề trên nhé!

Tìm hiểu hiện tượng cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh

Cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh là những mảng bám màu trắng đục, trông giống như váng sữa, đọng lại ở cuống lưỡi hoặc đầu lưỡi của trẻ. Các mảng bám này hình thành do sữa đang tiêu hóa trong dạ dày bị trào khỏi miệng kèm theo dịch nhầy dạ dày khi trẻ nôn trớ.

Hoặc đôi khi cặn sữa chỉ là những mảng sữa dư thừa bám lại trên lưỡi do trẻ bú mẹ mà không được vệ sinh miệng đúng cách. Đặc biệt, những trẻ bú bình, sử dụng sữa công thức sẽ xuất hiện cặn sữa trong miệng nhiều hơn. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên sẽ được trình bày ở phần dưới.

cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh
Hiện tượng cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh ba mẹ cần lưu ý

Vì sao xuất hiện cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh xuất hiện cặn sữa trong miệng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân chủ quan

  • Trẻ sơ sinh trớ cặn sữa để lại mảng bám trên lưỡi là do sau khi bé bú mẹ xong, mẹ không vệ sinh miệng sạch sẽ cho bé.
  • Nếu mẹ cho trẻ sử dụng sữa công thức, đây là loại sữa đậm đặc và dễ lắng đọng hơn sữa mẹ nên còn sót lại cặn sữa trên lưỡi.

Nguyên nhân khách quan

Trẻ sơ sinh bị trớ cặn sữa lên miệng có thể do những nguyên nhân sinh lý và bệnh lý như:

  • Do dạ dày nằm ngang và hệ tiêu hóa của trẻ còn quá non nớt, nếu đang bú sữa mà trẻ thay đổi tư thế dễ dẫn đến nôn, ọc sữa.
  • Do trẻ mắc chứng chậm tiêu hóa: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc trẻ bị trớ sữa. Nguyên nhân có thể do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu hoặc trẻ bị ứng với đạm sữa.
  • Trẻ mắc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản: Hơn 50% trẻ sơ sinh gặp tình trạng trào ngược và chúng là vô hại. Tuy nhiên, trào ngược thường xuyên sẽ dẫn đến nôn trớ sữa kèm dịch axit dạ dày khiến trẻ khó chịu.
  • Trẻ mắc bệnh lý hẹp môn vị: Môn vị là phần dưới của dạ dày, nơi thức ăn được đổ xuống trước khi đến ruột non. Khi mắc chứng bệnh này, các cơ ở môn vị của trẻ sẽ to ra khiến thức ăn không thể đi xuống ruột non làm mất nước, nôn trớ.

Hướng dẫn vệ sinh miệng đúng cách cho trẻ sơ sinh

Việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách cho trẻ sơ sinh rất quan trọng. Việc làm đó không chỉ kích thích mọc răng sữa ở trẻ mà còn giúp hình thành thói quen cho trẻ suốt cuộc đời.

Chăm sóc nướu là bước vệ sinh răng miệng đầu tiên

Ngay cả khi trẻ chưa mọc răng, cha mẹ vẫn nên chăm sóc nướu cho trẻ hàng ngày. Việc này rất đơn giản mà lại giúp loại bỏ mảng bám và vi khuẩn có hại trong miệng trẻ. Dùng gạc rơ lưỡi bọc quanh đầu ngón tay trỏ, thấm ít nước muối sinh lý NaCl 0,9%, chà nhẹ nhàng vào nướu của trẻ ít nhất 2 lần/ngày sau khi trẻ ăn sữa.

Ngoài ra, cha mẹ có thể dùng ngón trỏ chà nhẹ bàn chải đánh răng vào nướu của bé để vệ sinh.

Chăm sóc những chiếc răng đầu tiên

Chăm sóc răng hàng ngày sẽ giúp bé phòng tránh tình trạng sâu răng sữa. Cha mẹ nên bắt đầu vệ sinh răng miệng ngay từ khi răng sữa của trẻ bắt đầu nhú lên. Mẹ nên dùng những loại bàn chải đánh răng nhỏ, được thiết kế chuyên biệt cho trẻ sơ sinh.

Khi bé được 12 tháng, mẹ có thể sử dụng kem đánh răng khi chải răng cho bé, nhưng hãy chọn loại kem không chứa fluoride. Bởi vì khi sử dụng kem đánh răng chứa flo bé có thể nuốt phải kem gây ra ngộ độc flo. Đến khi bé tròn 24 tháng, cha mẹ có thể cho bé sử dụng kem đánh răng chứa một ít lượng fluoride.

Cách loại bỏ cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh

Nếu tình trạng xuất hiện cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh không được loại bỏ, lâu dần dễ dẫn đến mất vị giác, tạo cảm giác chán ăn, nôn trớ, bỏ bú, quấy khóc ở trẻ. Dưới đây là một số cách để khắc phục tình trạng xuất hiện cặn sữa.

Vệ sinh miệng để loại bỏ sữa vón cục/cặn sữa

Khi trẻ sơ sinh trớ cặn sữa vón cục, hoặc do trẻ đi ngủ ngậm sữa cũng gây ra tình trạng này. Cha mẹ có thể khắc phục bằng cách vệ sinh răng miệng cho trẻ ít nhất 2 lần/ngày. Các bước thực hiện như sau:

Mẹ vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, sau đó quấn gạc rơ lưỡi hình ống quanh ngón trỏ, nhúng ngón tay vào dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước ấm, di chuyển tay nhẹ nhàng đến từng vùng trong khoang miệng của trẻ để làm sạch. Sau đó đặt ngón trỏ phía gốc lưỡi rồi kéo ra ngoài để lấy hết cặn sữa trong miệng trẻ.

Đối với trẻ bú bình hoàn toàn: Các mẹ cần vệ sinh lưỡi cho trẻ thường xuyên hơn vì uống sữa bột sẽ rất dễ bị đóng cặn.

Chia nhỏ lượng sữa mỗi lần bú của trẻ

Khắc phục tình trạng nôn trớ ra cặn sữa bằng cách chia nhỏ lượng sữa mỗi lần bú của trẻ. Để ước lượng được thể tích sữa mỗi lần bú, mẹ có thể tham khảo lượng sữa theo khuyến cáo của bệnh viện Nhi Trung Ương:

Tuổi1 ngày tuổi3 ngày tuổi7 ngày tuổi1 tháng tuổi
Lượng sữa/lần bú5 – 7 ml22 – 27 ml45 – 60 ml80 – 150 ml

Ngoài ra, hãy kiểm tra một số dấu hiệu sau để nhận biết xem bé đã bú đủ no hay chưa:

  • Trẻ thoải mái và thư giãn sau mỗi lần bú
  • Bầu vú của mẹ mềm hơn sau khi cho trẻ bú
  • Trẻ đi tiểu tiện và đại tiện đầy đủ
  • Trẻ tăng cân đều đặn theo tuần và theo tháng

Hạn chế để trẻ nằm ngay khi vừa bú mẹ xong

Sau khi bú mẹ xong, cha mẹ nên đặt trẻ trong tư thế thẳng 20 – 30 phút, vỗ nhẹ lưng để đẩy hơi thừa hết ra ngoài. Việc này làm giảm nguy cơ nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu ở trẻ. Cho trẻ bú đúng tư thế tránh nuốt quá nhiều không khí cùng với sữa dễ gây nôn trớ cho trẻ sau ăn.

Tránh việc kích động đùa giỡn các trò chơi, hoạt động tay chân, các trò đùa gây cười nhiều với bé sau mỗi lần bú.

Đặt con nằm ngủ trên đệm có độ dốc với đầu cao hơn dạ dày một chút. Mẹ có thể kê gối lưng cho bé nằm nghiêng bên trái, lúc này bé cảm giác dạ dày êm hơn và dễ ngủ hơn.

Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc đổi sữa công thức cho trẻ khi cần thiết.

Tình trạng xuất hiện cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể khắc phục được. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, cha mẹ vẫn nên thường xuyên kiểm tra và vệ sinh miệng cho trẻ.

Nếu còn thắc mắc về chế độ, thực đơn dinh dưỡng, các vấn đề liên quan đến sức khỏe hàng ngày, bậc cha mẹ đừng ngại ngần liên hệ với H&H Nutrition. Đội ngũ Chuyên gia, Bác sĩ, Kỹ sư, Cử nhân Dinh dưỡng của chúng tôi sẽ luôn giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc tận tình!

>>> Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Nguyễn Thị Thu Hà

Tôi là Nguyễn Thị Thu Hà. Tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM ngành Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực. Hiện tôi đang công tác tại H&H Nutrition - Hệ thống Dinh dưỡng y học đầu tiên tại Việt Nam. Với mong muốn mang đến cho khách hàng những kiến thức y khoa và những lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng tối ưu cho sức khỏe vàng và mang lại sức khỏe tốt nhất cho cộng đồng thông qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như lối sống lành mạnh. Tôi luôn sẵn sàng học hỏi, trau dồi kiến thức y khoa để mang đến cho khách hàng những giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất.Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition