Trẻ suy dinh dưỡng – 3+ cách phân loại và phòng tránh hiệu quả

Cách phân loại suy dinh dưỡng ở trẻ em, trẻ nào có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng? Các nguyên nhân dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng và các cách phòng chống là như thế nào? H&H Nutriton sẽ cùng các bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt về protein – năng lượng và các vi chất dinh dưỡng gây ra do giảm tiêu thụ thực phẩm và/hoặc do bệnh tật thường xảy ra ở trẻ 0-3 tuổi. Suy dinh dưỡng trẻ em ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khỏe và bệnh tật của trẻ trước mắt và lâu dài. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có nguy cơ thấp chiều cao ở tuổi trưởng thành ảnh hưởng tầm vóc nòi giống dân tộc. Việt Nam là nước có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao trên thế giới. Theo số liệu điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2013 cả nước có 15% số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và đến 25,9% số trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, là tình trạng trẻ chậm phát triển chiều cao, có chiều cao theo tuổi chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn.

Xem thêm:

trẻ suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng ở trẻ em

Phân loại và đánh giá suy dinh dưỡng ở trẻ em

Trẻ bị suy dinh dưỡng bao giờ cũng có cân nặng thấp hơn mức bình thường nhưng nếu chỉ dựa vào cân nặng để đánh giá trẻ bị suy dinh dưỡng hay không thì không chính xác. Để đánh giá dinh dưỡng toàn diện cần có ít nhất 3 chỉ số:

  • Cân nặng theo tuổi.
  • Chiều cao theo tuổi.
  • Cân nặng theo chiều cao.

Các chỉ số này sẽ được so sánh với bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng NCHS được Tổ chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo áp dụng ở những nước đang phát triển.

Có rất nhiều cách đánh giá và phân loại suy dinh dưỡng trong đó 3 cách phổ biến nhất là: phân loại theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO- 1981), phân loại theo Waterlow (1976), phân loại theo Welcome (1970).

Phân loại theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO-1981)

WHO sử dụng chỉ tiêu cân nặng theo tuổi, dựa vào độ lệch chuẩn (SD) so với quần thể tham khảo NCHS (National Centre of Health Statistics) để phân loại mức độ suy dinh dưỡng:

Suy dinh dưỡng độ I: Cân nặng của trẻ dưới – 2SD đến – 3SD tương đương với cân nặng còn 70-80% so với mức bình thường.

Suy dinh dưỡng độ II: Cân nặng của trẻ dưới – 3SD đến – 4SD tương đương với cân nặng còn 60-70% so với mức bình thường.

Suy dinh dưỡng độ III: Cân nặng của trẻ dưới – 4SD tương đương với cân nặng còn dưới 60% so với mức bình thường.

Cách phân loại theo WHO nhanh, đơn giản, phổ biến và có thể áp dụng với tất cả mọi người nhưng không phân biệt được suy dinh dưỡng cấp tính hay mãn tính, không nêu đủ các thể suy dinh dưỡng nặng.

Phân loại theo Waterlow (1976)

Phương pháp này sử dụng hai chỉ tiêu cân nặng theo chiều cao và chiều cao theo tuổi để phân loại suy dinh dưỡng cấp tính hay mãn tính và suy dinh dưỡng trong quá khứ dựa theo bảng sau:

trẻ suy dinh dưỡng

Trong đó gầy mòn biểu hiện tình trạng suy dinh dưỡng cấp, còi cọc biểu hiện tình trạng suy dinh dưỡng trong quá khứ, gầy mòn và còi cọc biểu hiện tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính.

Phương pháp này áp dụng được trong cộng đồng để bổ sung cho cách phân loại suy dinh dưỡng của WHO nhưng không phân loại được các thể suy dinh dưỡng nặng và mức độ suy dinh dưỡng ở trẻ.

Phân loại theo Welcome (1970)

Phương pháp phân loại theo Welcome sử dụng chỉ tiêu cân nặng theo tuổi và phù hợp để phân loại thể suy dinh dưỡng nặng.

trẻ suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng thể Kwashiokor: trẻ giảm cân kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, phù chân tay, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, nhiễm khuẩn, protid máu toàn phần giảm rõ rệt… Suy dinh dưỡng thể Marasmus: da bọc xương, da, tóc khô, teo cơ, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, phản ứng chậm, nhiễm khuẩn, chân tay lạnh, hô hấp yếu, nhịp thở nhanh…

Suy dinh dưỡng thể Masasmus-Kwashiokor: (do thiếu hụt cả protid và calo) triệu chứng nặng, cơ thể mất nước, mất chất béo dưới da, hôn mê, chậm phát triển…

Phương pháp phân loại này tiện lợi, phân loại nhanh các thể suy dinh dưỡng nặng nhưng chưa phân loại được suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, suy dinh dưỡng cấp và mãn.

trẻ suy dinh dưỡng
Hình ảnh trẻ bị suy dinh dưỡng

Hiện nay trên lâm sàng thường phân loại trẻ suy dinh dưỡng dựa trên chỉ số nhân trắc

Suy dinh dưỡng: Chỉ số cân nặng theo tuổi < –2SD so với quần thể tiêu chuẩn NCHS. Chỉ số này biểu hiện một tình trạng thiếu hụt về dinh dưỡng nhưng không đánh giá được tình trạng thiếu hụt đó xảy ra trong khoảng thời gian này hay từ trước. Dù vậy đây vẫn là chỉ số dễ áp dụng nhất trong cộng đồng nên vẫn thường được dùng như một chỉ số chuẩn đánh giá tình trạng thiếu dinh dưỡng của cộng đồng trong tất cả các cuộc điều tra về dinh dưỡng và dùng để phát hiện sớm tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng. Sau khi có hướng chẩn đoán suy dinh dưỡng dựa trên các chỉ số còn lại để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng cấp: Chỉ số chiều cao theo tuổi bình thường, nhưng cân nặng/chiều cao <-2SD,  biểu thị suy dinh dưỡng mới diễn ra, và chế độ ăn hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu.

Suy dinh dưỡng mãn đã phục hồi: Chiều cao theo tuổi <-2SD nhưng cân nặng theo chiều cao bình thường. Phản ảnh sự thiếu dinh dưỡng đã xảy ra trong một thời gian dài, nặng và sớm vì đã gây ảnh hưởng trên sự phát triển tầm vóc của trẻ. Nhưng tình trạng dinh dưỡng hiện đã phục hồi, ở những đối tượng này cần thận trọng với nguy cơ béo phì vì chiều cao thấp.

Suy dinh dưỡng mãn tiến triển: Chiều cao theo tuổi < -2SD và cân nặng theo chiều cao cũng <-2SD chứng tỏ tình trạng thiếu dinh dưỡng đã xảy ra trong quá khứ và tiếp tục tiến triển đến hiện nay.

Suy dinh dưỡng bào thai: Đánh giá dựa vào cân nặng <2500g, chiều dài < 48cm và vòng đầu <35cm sau khi trẻ chào đời.

Đánh giá mức độ suy dinh dưỡng

Có 3 mức độ suy dinh dưỡng: Nhẹ, vừa và nặng.

Ở tất cả các loại suy dinh dưỡng kể trên, khi có một chỉ số <-2SD là suy dinh dưỡng nhẹ, <-3SD là suy dinh dưỡng vừa, <-4SD là suy dinh dưỡng nặng.

Đối với suy dinh dưỡng bào thai, chỉ giảm cân nặng là suy dinh dưỡng nhẹ, giảm cân nặng và chiều cao là suy dinh dưỡng vừa, giảm cả cân nặng, chiều cao,  vòng đầu là suy dinh dưỡng nặng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Thiếu dinh dưỡng hoặc sai lầm trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ:

  • Trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, mẹ ăn kiêng trong thời gian cho con bú khiến sữa mẹ không đủ chất dinh dưỡng cho con.
  • Cho trẻ ăn sữa công thức không phù hợp
  • Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, ăn dặm không đảm bảo chất dinh dưỡng
  • Chế biến thức ăn không phù hợp, không được cung cấp đủ năng lượng cho trẻ
  • Trẻ suy dinh dưỡng do biếng ăn, không ăn đủ các chất dinh dưỡng
  • Cai sữa sớm, cho trẻ ăn kiêng khem không đúng nhất là khi trẻ bị bệnh như tiêu chảy, lỵ, sởi,…. Mẹ kiêng cho trẻ bú, ăn kiêng khi trẻ bị bệnh.
  • Ở những gia đình điều kiện khó khăn, trẻ không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và đảm bảo cả về số lượng và chất lượng

Nhiễm khuẩn

Suy dinh dưỡng còn hay gặp ở trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn mãn tính như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Đặc biệt ở những trẻ không được bú sữa mẹ, sức đề kháng kém, nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Khi bị bệnh trẻ sẽ không muốn ăn uống, lại phải dùng thuốc kháng sinh có thể làm cho trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa  vì thuốc cũng tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể, khiến thể trạng của trẻ ngày càng gầy yếu và khó hấp thu được hết thức ăn trong khi nhu cầu năng lượng tăng lên.

Suy dinh dưỡng và nhiễm trùng là vòng xoắn bệnh lý, suy dinh dưỡng làm tăng tính cảm thụ với nhiễm khuẩn và ngược lại nhiễm trùng làm tình trạng suy dinh dưỡng ngày một trầm trọng.

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng

  • Trẻ nhẹ cân lúc sinh <2500gr
  • Trẻ bị các dị tật bẩm sinh: tim bẩm sinh, sứt môi – hở hàm ếch, hẹp phì đại môn vị, phình đại tràng bẩm sinh…
  • Trẻ không được bú sữa mẹ, phải ăn dặm sớm
  • Tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước và trong khi mang thai kém, hạn chế sự tăng trưởng phát triển của thai nhi, trẻ bị suy dinh dưỡng từ khi còn là bào thai.
  • Gia đình đông con, kinh tế khó khăn, tập quán nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ không khoa học, dịch vụ chăm sóc y tế kém.

Phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em

thực đơn cho trẻ suy dinh dưỡng từ 2 đến 5 tuổi
Cần cung cấp cho trẻ chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ

Việc phòng suy dinh dưỡng ở trẻ em phải được bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ, và tiếp tục trong những năm đầu đời.

  • Chăm sóc từ trong bụng mẹ: Mẹ cần được chuẩn bị dinh dưỡng tốt từ trước khi mang thai và cần đi khám thai định kì, theo dõi sự tăng trưởng của thai. Mẹ cần tăng 9-12kg trong 9 tháng thai kì, theo dõi cân nặng theo từng quý để bổ sung thức ăn kịp thời tránh cho trẻ bị suy dinh dưỡng ngay trừ trong bào thai.
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo chất dinh dưỡng và vitamin.
  • Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng tiếng đầu sau sinh
  • Cho trẻ ăn sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nếu phải dùng sữa ngoài thì cần lựa chọn sữa công thức phù hợp với trẻ

Xem thêm: Sữa cao năng lượng dành cho trẻ bị suy dinh dưỡng

  • Cho trẻ ăn dặm đúng cách
  • Cho trẻ bú mẹ đến 18-24 tháng, không cai sữa cho trẻ vào mùa hè hay lúc đang ốm
  • Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch
  • Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh lý cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn
  • Theo dõi cân nặng của trẻ: Để phát hiện sớm suy dinh dưỡng ở trẻ, cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ: Trẻ dưới 1 tuổi mỗi tháng cân 1 lần; trẻ 2-5 tuổi 3 tháng cân 1 lần. Nếu thấy cân không tăng hoặc giảm xuống là báo hệu của suy dinh dưỡng, cha mẹ cần có đưa trẻ gặp bác sĩ để được tư vấn và theo dõi cho trẻ.
  • Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không để sớm khi mẹ chưa đủ tuổi sinh đẻ, không đẻ quá nhiều con để có điều kiện chăm sóc con tốt nhất
  • Thực hiện giáo dục sức khỏe cho mẹ biết cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ đúng cách.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể kéo theo nguy cơ rất lớn đến tử vong, mắc các bệnh lý, sự phát triển thể chất tâm thần và ảnh hưởng đến cả tương lai thế hệ. Do vậy, việc phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ là rất quan trọng và là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội. Hi vọng rằng, với những chia sẻ trên của H&H Nutrition cha mẹ đã hiểu rõ hơn về suy dinh dưỡng ở trẻ và có cách chăm sóc trẻ tốt nhất cũng như phòng suy dinh dưỡng cho trẻ.

Xem thêm: Các bài viết khác về trẻ Suy dinh dưỡng

H&H Nutrition là hệ thống store dinh dưỡng Y học đầu tiên tại Việt Nam cung cấp sản phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ em và người lớn trong đó có trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, tại đây bạn sẽ được tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng là thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ giàu kinh nghiệm.

Ths. Đặng Ngọc Hùng - Chuyên gia dinh dưỡng tại H&H Nutrition
Ths. Đặng Ngọc Hùng – Chuyên gia dinh dưỡng tại H&H Nutrition

H&H Nutrition – Đồng hành sức khỏe gia đình bạn

Địa chỉ:

  • Cơ Sở Chính: 294/2 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM.
  • Chi Nhánh 1: 16B Nguyễn Công Bình, Phường 6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang.
  • Chi Nhánh 2: 319C5 Nguyễn Huệ, Phường Phú Khương, Tp Bến Tre, Bến Tre.
  • Chi Nhánh 3: 93/87 Hà Giang, Phường 1, Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Hotline: 088.8844.733

Group: Hỏi – đáp cùng chuyên gia dinh dưỡng

đánh giá post

Ths, Bs Đặng Ngọc Hùng

Là Founder của H&H Nutrition. Tốt nghiệp Đại học Y dược TP. HCM năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa - chuyên ngành Y tế công cộng năm 2019. Hiện có chứng chỉ dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, Chứng chỉ định hướng chuyên khoa dinh dưỡng lâm sàng - Đại học Y dược TP. HCM. Đã từng công tác tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Giảng viên thỉnh giảng tổ chức phi chính phủ LIFE, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Cao đẳng Đại Việt. Tác giả sách " DINH DƯỠNG CÂN BẰNG - ĂN TRONG TỈNH THỨC".Website: https://dinhduongtoiuu.com/ths-bac-si-dang-ngoc-hung/Facebook: https://www.facebook.com/dang.ngochung.5Quy trình kiểm duyệt nội dung tại H&H Nutrition